Chăn nuôi an toàn sinh học thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn
Tại tọa đàm trực tuyến về "Phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi và thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn an toàn" diễn ra chiều nay (19/3) tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh cần thực hiện cấp bách giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đến thời điểm này, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, của 62 huyện, thuộc 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, Thừa Thiên Huế là địa phương mới nhất phát sinh dịch. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 34.700 con. Để dịch không lây lan ra diện rộng, các chuyên gia khẳng định cần quan tâm đặc biệt việc sử dụng hóa chất phun tiêu độc khử trùng môi trường và tăng cường ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra vào vùng dịch.
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y. |
Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y khẳng định, toàn bộ số lợn mắc bệnh đều đã bị tiêu huỷ, không “lọt” ra thị trường.
“Các đàn lợn, sản phâm thịt lợn được kiểm soát rất chặt chẽ bởi cơ quan thú y nên người dân yên tâm sử dụng. Khi vùng nào đó công bố dịch thì địa phương quản lý rất chặt đều có các trạm chốt chặt kiểm dịch. Bản thân người chăn nuôi cũng là thành phần tham gia giám sát”, ông Long cho biết.
Trả lời câu hỏi về sự lo lắng của người tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, dịch tả lợn Châu Phi không lây lan sang người và khi được chế biến ở nhiệt độ trên 70 độ C, vi rút sẽ bị tiêu diệt. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thịt lợn hiện nay.
Đến nay, ngành thú y cả nước đã tiến hành tiêu hủy hơn 34.000 con lợn mắc bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Điều đó có nghĩa là, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt lợn khoẻ mạnh, đảm bảo an toàn.
“Tất cả lợn xuất chuồng đã được kiểm dịch ngay khi xuất chuồng tại địa phương. Khi giết mổ cũng đã có cán bộ thú y kiểm dịch và khi đưa về các chợ đầu mối hay chợ truyền thống cũng đều có sự kiểm soát”, ông Dương nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi |
Theo các đại biểu, người dân cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi cũng như đảm bảo tiêu thụ thịt lợn an toàn. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng tránh gây tâm lý hoang mang để tiêu thụ thực phẩm từ lợn.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bệnh dịch tả lợn Châu Phi hiện chưa có vắc xin điều trị vì vậy chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn sự xâm nhập của vi rút vào khu vực chăn nuôi.
“Đã có những tiêu chuẩn và quy trình chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Như giống khuyến cáo bà con cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng và được tiêm phòng đầy đủ. Về thức ăn phải đủ hàm lượng dinh dưỡng và được kiểm soát đảm bảo không bị nấm mốc, ôi thiu”, bà Hạnh nhấn mạnh./.