Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chú trọng phương pháp dạy và học dựa trên nội dung số |
Với Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên, câu chuyện chuyển đổi số đã bắt đầu cách đây gần 20 năm. Tuy nhiên, phải đến thời điểm hiện tại, khi Đề án Chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và chuyển đổi số trở thành vấn đề thời sự, mang tính then chốt quyết định cho sự phát triển của bất kỳ một địa phương, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nào thì khái niệm chuyển đổi số mới trở nên rõ ràng. Nhà trường đã xác định và thực hiện từng bước lộ trình xây dựng trường đại học số với việc tập trung vào 3 nội dung: quản trị số, nội dung số, phương pháp dạy và học dựa trên nội dung số. Và tất cả giảng viên, sinh viên đều đang rất hào hứng với các bước hoạch định này.
Sinh viên Nguyễn Thị Kiều chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giảng dạy, em thấy rất thiết thực. Bây giờ công nghệ 4.0 phát triển thì điều này càng trở nên cần thiết.”
Giảng viên Nguyễn Quang Hiệp cho biết thêm: “Nhà trường đã làm việc, kết nối với các doanh nghiệp lớn như: Samsung, VNPT, FPT,... hàng năm đều có những trao đổi rất sát giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo ra sự kết nối, gắn kết, giúp phát triển song song giữa việc đào tạo trong trường và sự phát triển nhân lực.”
Nhà trường đặc biệt quan tâm trang bị kiến thức và thực hành cho sinh viên về chuyển đổi số |
Trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thích ứng với sự chuyển đổi số trong cuộc sống và công việc. Trong học tập, sinh viên được sử dụng nguồn học liệu số góp phần giảm thời gian học tập trung, giảng viên lúc này đóng vai trò như người hướng dẫn, đôn đốc việc học. Thậm chí với môn học tưởng chừng không thể áp dụng công nghệ số như thể dục thì những ứng dụng để quản lý sinh viên, quản lý chất lượng rèn luyện cũng đã được ứng dụng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Nhà trường xác định sẽ xây dựng thí điểm mô hình Đại học số, để trở thành một trong những Đại học số đầu tiên của Việt Nam. Với chủ trương xây dựng Đại học số, nhà trường cần sự ủng hộ từ chính sách, về cơ sở vật chất, nguồn lực để nhà trường xây dựng thành công trong thời gian sớm nhất, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và khu vực.”
Mới đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thông qua dự thảo Nghị quyết chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Và với thế mạnh của một địa phương là trọng điểm thứ 3 cả nước về giáo dục đại học, cùng với sự nỗ lực từ bản thân các trường có thế mạnh đào tạo công nghệ số, bài toán về nguồn nhân lực chuyển đổi số cho Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực đã tìm ra lời giải./.