Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều quan tâm đầu tư trang thiết bị thực hành hiện đại

Đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm robot,.xây dựng phòng học mô phỏng cùng nhiều thiết bị thực hành hiện đại đang là xu hướng của một số trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Sự đổi thay mạnh mẽ này bắt nguồn từ yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của các doanh nghiệp đối với chất lượng đào tạo nghề.

Học viên Bế Văn Duy, lớp Cao đẳng Máy lạnh, Trường Cao đẳng nghề Số 1 - Bộ Quốc phòng cho biết: “Nhà trường đã cho chúng em được thực tập tại nơi có trang thiết bị hiện đại, được thực hành nhiều và tiếp xúc nhiều với xe cộ nên tay nghề sẽ được phát triển hơn.”

Đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, năm 2019, các cơ sở này đã tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp cho gần 43.000 người, vượt 6,3% so với kế hoạch đề ra. Năm 2020 mặc dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên kết quả tuyển sinh của các trường nghề khá khả quan.

Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Chất lượng đào tạo của nhà trường được thể hiện trong thời gian vừa qua, nhất là thời gian dịch bệnh Covid -19, nhà trường đã ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ thông tin trong quá trình đào tạo, có cả đào tạo trực tuyến, trực tiếp với học sinh nhà trường. Đối với học sinh chất lượng được nâng lên, hầu như tất cả học sinh sau khi ra trường đều được các doanh nghiệp đón nhận.”

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên cũng cho biết: “Những năm gần đây, nhà trường luôn quan tâm đầu tư về nguồn lực. Đối với đội ngũ giáo viên thì nhà trường tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về năng lực, chuyên môn, nghề nghiệp, áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy; nâng cao tay nghề, kỹ năng mềm. Nhà trường tích cực liên kết với các doanh nghiệp để giáo viên có điều kiện tiếp cận với công nghệ mới để phục vụ tốt cho quá trình đào tạo.”

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng với xu hướng chuyển dịch các nhà máy về Việt Nam trong thời gian tới, cơ hội cho công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là rất lớn. Đào tạo nghề theo địa chỉ, nhất là theo nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường thực hành, liên tục đổi mới phương pháp đào tạo sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công nhân Thái Nguyên giỏi nghề, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.