Việc làm cho người khuyết tật chồng chất khó khăn
10% số người khuyết tật được đào tạo nghề
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật cho biết: Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới với khoảng 6,2 triệu người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.
Hiện cả nước có khoảng gần 2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động đang có việc làm, phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn. Trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Họ chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác. Đặc biệt là có khoảng 10% số người khuyết tật đã được đào tạo nghề theo các trình độ, nhưng chủ yếu ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, vì vậy, số người khuyết tật tìm được việc làm còn ít. Người lao động khuyết tật còn rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm.
Cả nước có khoảng gần 2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động. |
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật cho thấy, ước tính bình quân mỗi năm trên cả nước có khoảng 3.000 người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật được hỗ trợ sinh kế dưới các hình thức: cải thiện điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ máy móc, công cụ sản xuất, cây con giống. Việc triển khai hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật còn manh mún, chưa đồng đều, mô hình sinh kế được hình thành còn ít và hiệu quả thấp...
Theo thống kê của các trung tâm dịch vụ việc làm trong 2 năm 2017 và 2018 đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 5,6 triệu lượt người lao động, 1,7 triệu lượt người lao động tìm được việc làm trong đó có lao động là người khuyết tật... Tuy nhiên, các trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm này chưa có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp; người sử dụng lao động và người lao động, do vậy cơ hội việc làm cho người khuyết tật còn rất ít.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật làm việc
Chị Quỳnh (Hà Nội) bị khuyết tật ở chân, đi lại khó khăn. Mặc dù học xong lớp dạy nghề thêu từ cuối năm 2016 và nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi, nhưng chị không được công ty nào tiếp nhận. Chị cho biết, các cơ sở sản xuất sợ người khuyết tật không đủ sức khỏe nên họ không muốn nhận. Vì vậy, đến giữa năm 2017, chị quyết định đi học may và mở cửa hàng may mặc tại nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hiện cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng chế độ ưu đãi. Trên 15.000 lao động là người khuyết tật đang làm việc tại hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật vẫn chưa thật sự khuyến khích các doanh nghiệp nhận NTK vào làm. Thực tế, rất ít doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật đạt được tỷ lệ từ 30% trở lên trong tổng số lao động để được thuộc diện hưởng chính sách, số doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng lại gặp nhiều khó khăn khác khi tiếp cận chính sách, đặc biệt là ưu đãi về tín dụng, về thuế, về mặt bằng sản xuất kinh doanh… Có không ít doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm nhưng chờ đợi mãi vẫn không được miễn giảm thuế. Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật tiếp cận được chính sách ưu đãi rất hạn chế.
“Việc sử dụng lao động khuyết tật trong doanh nghiệp cũng như thay đổi nhận thức của doanh nghiệp là cả vấn đề, bởi vì khi sử dụng lao động khuyết tật phải kèm theo đó các hoạt động về cải thiện môi trường, điều kiện làm việc và các chế độ, quyền lợi đối với lực lượng lao động khuyết tật”-ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. |
Các quy định về sử dụng lao động là người khuyết tật là khó thực hiện đối với các doanh nghiệp vì doanh nghiệp sợ tốn kém chi phí. Đặc biệt quy định người sử dụng lao động phải thường xuyên chăm sóc sức khỏe lao động là người khuyết tật còn gây ra nhiều tranh cãi, chưa được các doanh nghiệp hiểu như thế nào là phù hợp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định về cấm sử dụng lao động khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm được đánh giá là ưu việt, tuy nhiên những quy định này cũng hạn chế cơ hội việc làm của người khuyết tật.
Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam khẳng định trong thời gian tới sẽ hỗ trợ thúc đẩy sáng kiến, mô hình, chương trình trợ giúp cho người khuyết tật ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng./.