Đàm phán hạt nhân Triều Tiên: Hàn Quốc sốt sắng, Mỹ dè chừng
Hàn Quốc nhiệt tình
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Washington Post hôm 3/10 cho biết, Seoul đang đề nghị Washington tạm gác yêu cầu kiểm kê vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sang một bên và chấp nhận việc đóng cửa một cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên như bước tiếp theo trong các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Getty. |
Kế hoạch này được thiết kế để phá vỡ sự bế tắc giữa Triều Tiên và Mỹ khi Tổng thống Trump đang chịu nhiều sức ép phải chứng minh sự tiến bộ trong các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Kế hoạch này cũng nằm trong số các lựa chọn có sẵn cho Ngoại trưởng Mike Pompeo khi ông đến Bình Nhưỡng ngày 7/10 để tái khởi động các cuộc đàm phán.
“Điều mà Triều Tiên đã chỉ ra là họ sẽ vĩnh viễn tháo dỡ cơ sở hạt nhân ở Yongbyon - một phần rất lớn trong chương trình hạt nhân của họ. Nếu họ làm điều đó để đổi lấy các biện pháp tương ứng của Mỹ, chẳng hạn như tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên thì tôi nghĩ đó là bước tiến lớn để phi hạt nhân hóa”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết trong một cuộc thảo luận của phái đoàn Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã tạm chấm dứt với một Hiệp định đình chiến năm 1953 nhưng hiệp ước hòa bình chính thức cho đến nay vẫn chưa được ký kết. Những tuần gần đây, Triều Tiên gần như hàng ngày đều nêu yêu cầu Mỹ đặt bút ký vào một tuyên bố để chính thức kết thúc cuộc chiến.
Trong khi đó, các nhà đàm phán Mỹ vẫn cố gắng ép Triều Tiên cung cấp một danh sách các cơ sở và vũ khí hạt nhân mà họ muốn tháo dỡ nhưng hai bên chưa thể đi đến thống nhất, ngay cả sau cuộc gặp Thượng đỉnh của ông Donald Trump với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore và 3 chuyến đi đến Bình Nhưỡng của ông Pompeo.
Theo bà Kang, việc yêu cầu một bản danh sách tiềm ẩn những rủi ro ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán sau đó. Ngoại trưởng Hàn Quốc trích dẫn việc tần suất các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và chính quyền George W. Bush đã giảm hẳn sau khi Triều Tiên bàn giao hàng nghìn trang tài liệu về các cơ sở chính của nước này có liên quan đến việc sản xuất plutonium vào năm 2008.
Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nói: “Những gì diễn ra trong quá khứ cho thấy, để có được một bản danh sách và việc xác minh danh sách này mất rất nhiều thời gian qua lại và tôi nghĩ cuối cùng mọi thứ đã đổ bể khi các bên thực hiện một giao thức chi tiết về xác minh sau khi nhận được bản danh sách… Chúng tôi muốn có một cách tiếp cận khác”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân tại cơ sở Yongbyon, bà Kang nói thêm: “Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu một số điểm, nhưng một số điểm có thể đạt được nhanh hơn bằng hành động và biện pháp tương ứng, cung cấp sự tin tưởng đủ lớn cho cả hai bên”.
Mỹ vẫn dè chừng
Cho dù Hàn Quốc có thể cố gắng thuyết phục Mỹ để dỡ bỏ những rào cản hiện nay trong đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối đưa ra bình luận về khả năng đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt hoặc ký kết tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.
“Phe diều hâu” trong chính quyền Trump, đặc biệt là Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cho đến nay vẫn còn hoài nghi về việc ký một tuyên bố như vậy vì sợ rằng Triều Tiên và Trung Quốc sẽ yêu cầu Mỹ phải rút 28.500 lính đóng tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, bà Kang cho rằng, điều này không quá đáng ngại như vậy bởi một bản tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ là tài liệu chính trị thuần túy chứ “không phải một bản hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý”.
Theo một số nhà ngoại giao từng tham gia vào các cuộc đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như sẵn sàng để ký vào tuyên bố và không cảm thấy phiền lòng về việc lực lượng Mỹ có tiếp tục đồn trú ở Hàn Quốc hay không. Trên thực tế, ông Trump từng phàn nàn về việc Mỹ phải chi trả quá nhiều để đóng quân ở Đông Á.
Giới phân tích đã đưa ra những đánh giá khá trái ngược về đề xuất của phía Hàn Quốc.
“Nếu mô tả việc đóng cửa cơ sở Yongbyon giống như vết cắn đầu tiên vào quả táo thì nó có thể là một điểm khởi đầu tốt nhưng nếu đó là vết cắn duy nhất thì nó sẽ không thỏa mãn và hoàn toàn có thể đảo ngược”, chuyên gia Scott Snyder tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Duyeon Kim tại Trung tâm An ninh Mỹ mới thì cho rằng, việc đóng cửa cơ sở Yongbyon sẽ là một bước đi “hữu hình” và “được hoan ngênh” nhưng lưu ý rằng Triều Tiên vẫn có thể mở rộng kho vũ khí hạt nhân và sản xuất vật liệu phân hạch tại các cơ sở bí mật khác.
Bà Kim nói: “Sẽ là phi thực tế khi mong đợi có được một bản danh sách toàn diện, chính xác hoàn toàn ngay từ đầu nhưng chính quyền Mỹ vẫn nên nhấn mạnh rằng Triều Tiên ít nhất nên công bố tất cả các cơ sở liên quan đến chu trình nhiên liệu ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ nước này”.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy khó khăn trước thềm chuyến thăm Triều Tiên lần thứ 4 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 7/10. Mặc dù kêu gọi tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình nhưng Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định Bình Nhưỡng không bao giờ có thể trở thành “con tin” trong cuộc thương lượng phi hạt nhân hóa và Washington phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế trước khi muốn Triều Tiên có các bước đi tiếp theo.
Bất chấp sự hoài nghi của quốc tế cho rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa sẵn sàng để giải giáp kho vũ khí hạt nhân của mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha vẫn đang nỗ lực tạo động lực cho cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên.
Ngoại trưởng Kang cho biết, Chính phủ Hàn Quốc không ảo tưởng về Triều Tiên và có nhận thức đầy đủ về sự phức tạp của các cuộc đàm phán.
“Đây là một chương trình rất tiên tiến [chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên – ND] vì vậy sẽ không thể tháo dỡ hoặc loại bỏ nó trong một thời gian ngắn”, bà Kang Kyung-wha nhấn mạnh./.