Tin 24h ngày 20/11/2024
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Không có đặc lợi hay ưu ái bất thường về lương giáo viên
Luật Nhà giáo phải chấp nhận một vài điểm khác với các luật khác
Sáng 20/11, giải trình và làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp ý cho dự án Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, 20/11 là ngày đặc biệt của hơn 1,6 triệu thầy, cô giáo trên cả nước và đặc biệt hơn khi đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ 20/11 là ngày đặc biệt của hơn 1,6 triệu thầy, cô giáo trên cả nước và đặc biệt hơn khi đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo. |
Bày tỏ cảm ơn với ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng cho rằng, các quan điểm ủng hộ, tán thành cao với dự luật đã thể hiện không chỉ sự ghi nhận mà còn là trách nhiệm xây dựng với ngành giáo dục, với đất nước.
Với phần lớn các ý kiến của đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể, quy định chi tiết của dự luật, Bộ trưởng GD&ĐT cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu từng ý kiến, những nội dung đưa vào Luật hay đưa sang các nghị định, thông tư hướng dẫn.
"Với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo còn Luật Giáo dục. Trong đó có rất nhiều quy định liên quan đến hoạt động chuyên môn, từ dạy học, đến kiểm tra, đánh giá, tổ chức thi… Do vậy, một Luật Nhà giáo không thể bao quát hết", Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật phải chấp nhận một vài điểm khác với các luật khác để phù hợp với sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Ví dụ như quy định về tuổi nghỉ hưu, quy định về thuyên chuyển giáo viên, quy định dạy liên trường, liên cấp…
"Nếu xét thấy khác nhưng phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo, mang lại sự tốt lành cho nhà giáo, mong các đại biểu ủng hộ", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Khi xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì dứt khoát phải có vài ưu tiên
Về một số ý kiến nêu vấn đề đảm bảo lương nhà giáo được xếp cao nhất, ông Sơn cho biết, khi xây dựng văn bản luật và theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ GD&ĐT cũng phải "nhìn sang" các ngành khác, để không có đặc quyền, đặc lợi hay ưu ái bất thường.
Tư lệnh ngành GD&ĐT khẳng định, nhà giáo vốn là những người sống trách nhiệm, bao dung, vị tha, do vậy, sẽ không chấp nhận sống giàu có, sung sướng, mà bên cạnh là những người nghèo khổ hơn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng trong số 1,6 triệu nhà giáo vẫn còn phần lớn ở mức chưa đủ sống, do vậy sẽ không thể toàn tâm, toàn ý cho dạy học.
"Với đất nước vừa thoát nghèo, chưa giàu, thì không thể "dàn hàng ngang ưu tiên cho mọi lĩnh vực". Nhưng khi đã xem giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu thì dứt khoát phải có một vài ưu tiên", Bộ trưởng nói.
Với vấn đề dạy thêm học thêm được nhiều đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh chủ trương là không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức đạo đức của nhà giáo, cũng như vi phạm các nguyên tắc về chuyên môn, trong đó có việc "giáo viên ép buộc học sinh học thêm".
Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, bao gồm 90 ý kiến thảo luận tại tổ và 36 ý kiến thảo luận tại hội trường trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng một phần vì khó khăn của nhà giáo nhưng lý do chính là để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Dự báo giá xăng ngày mai về dưới 20.000 đồng/lít?
Giá xăng trong nước ngày mai (21/11) được dự báo giảm lần thứ hai liên tiếp, với mức giảm từ 200-250 đồng/lít; giá dầu diesel có thể giảm nhiều hơn nếu không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá dầu thế giới tuần qua lao dốc, với dầu Brent giảm khoảng 4%, dầu WTI giảm 5%.
Sang tuần này, vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 18/11), giá dầu thế giới quay đầu tăng hơn 3%, do lo ngại xung đột Nga - Ukraine leo thang và thiếu hụt nguồn cung.
Ở phiên giao dịch ngày 19/11, giá dầu tăng nhẹ khi các nhà đầu tư thận trọng trước dấu hiệu leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Đầu phiên giao dịch hôm nay, giá dầu thế giới nhích nhẹ. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h15' ngày 20/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mức 73,37 USD/thùng, tăng 0,08%; giá dầu WTI ở mức 69,53 USD/thùng, tăng 0,2% so với phiên liền trước.
Tại thị trường trong nước, ngày mai (21/11) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023.
Dựa vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới, một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày 21/11 có thể được điều chỉnh giảm.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể giảm từ 200-250 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel có khả năng giảm khoảng 290 đồng/lít.
Trường hợp cơ quan điều hành trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể giảm ít hơn hoặc giữ nguyên.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng trong nước sẽ có phiên được điều chỉnh giảm thứ hai liên tiếp.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 14/11), giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 được điều chỉnh giảm 290 đồng/lít, giá bán là 19.450 đồng/lít. Giá xăng RON 95 cũng giảm 250 đồng/lít, giá bán về mức 20.600 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel được điều chỉnh giảm 340 đồng/lít, giá bán còn 18.570 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 310 đồng/lít, giá là 18.980 đồng/lít.
Đã tìm thấy toàn bộ 5 thi thể nhóm học sinh lớp 8 đuối nước ở Phú Thọ
Sáng 20/11, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông đã tìm được thêm 3 thi thể trong nhóm 5 em học sinh lớp 8 bị mất tích khi ra sông Hồng chơi.
Trước đó, 19h ngày 18/11 thi thể đầu tiên được tìm thấy, đến 13h30 ngày 19/11, thi thể thứ 2 được xác định.
"Hiện thi thể của các cháu đã được bàn giao cho gia đình an táng theo phong tục địa phương", nguồn tin cho biết thêm.
Như đã thông tin, khoảng 16h cùng ngày, 6 cháu học sinh lớp 8 ra sông ở khu 1 để chơi, sau đó 5 cháu bị nước cuốn trôi, mất tích.
Liên quan đến việc 5 học sinh mất tích khi ra bãi sông Hồng ở địa phận xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) chơi, ngay khi nhận được tin báo, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương huy động cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS thị xã Phú Thọ, Ban CHQS huyện Lâm Thao, Tam Nông và lực lượng dân quân tự vệ của các địa phương cùng 4 xuồng máy, 2 xe ô tô tải nhanh chóng tìm kiếm cứu nạn.
Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ tiếp tục duy trì lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, xuồng máy tục trực thường xuyên để phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia công tác tìm kiếm, mong sớm tìm thấy các nạn nhân để an ủi các gia đình có con, em bị thiệt mạng trong đuối nước thương tâm trên.
Cựu Chủ tịch Xuyên Việt Oil gây thất thoát 1.463 tỷ đồng tài sản Nhà nước
Ngày 20/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil).
Phiên xét xử dự kiến diễn ra trong 12 ngày, tuyên án vào ngày 5/12, do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính được xác định là nguyên đơn dân sự.
Từ sáng sớm, công tác an ninh tại khu vực xét xử của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được thắt chặt. Lực lượng chức năng bố trí nhiều chốt kiểm soát xung quanh tòa án, đảm bảo trật tự và an toàn tuyệt đối cho phiên tòa. Người tham dự phiên tòa phải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt trước khi vào phòng xử án.
Vụ án được điều tra, xác minh xuất phát từ đơn tố giác về tội phạm phản ánh bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) sử dụng trái phép tài sản Nhà nước; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm dụng tài sản, gây thất thoát 214,1 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu và 1.246,1 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Qua đó, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 15 cá nhân về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo Điều 219, Điều 354, Điều 364, Điều 358 Bộ Luật Hình sự.
Trong đó, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) bị đưa ra xét xử về 2 tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) bị cáo buộc 2 tội danh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng bị truy tố tội “Nhận hối lộ” còn có các bị cáo: Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), Lê Duy Minh (cựu Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước), Hoàng Anh Tuấn (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước) và Đặng Công Khôi (Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính).
Theo cáo trạng, Công ty Xuyên Việt Oil được Mai Thị Hồng Hạnh mua lại cổ phần vào năm 2005 khi vốn điều lệ công ty là 50 tỷ đồng và trở thành người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty. Chỉ sau 6 năm, vốn điều lệ công ty đã tăng lên 3.000 tỷ đồng. Đến năm 2013, công ty đã phát triển mạnh với 15 chi nhánh, 6 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và 9 công ty liên quan. Suốt quá trình quản lý Công ty Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, vi phạm các quy định về sử dụng quỹ Bình ổn giá và tiền bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng; trong đó, thất thoát từ Quỹ bình ổn giá hơn 219 tỷ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường hơn 1.244 tỷ đồng.
Cụ thể, từ năm 2016, Mai Thị Hồng Hạnh đã chỉ đạo nhân viên không thực hiện đúng quy định về trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Số tiền trong quỹ được chuyển từ tài khoản công ty sang tài khoản cá nhân để sử dụng vào mục đích riêng. Đến tháng 5/2023, Công ty Xuyên Việt Oil báo cáo số dư Quỹ bình ổn giá là 219 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế tổng số dư trong 3 tài khoản báo cáo chỉ còn hơn 2 triệu đồng, dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước 219 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Công ty Xuyên Việt Oil đã thu hộ 1.244 tỷ đồng tiền thuế nhưng không nộp ngân sách mà chuyển vào tài khoản cá nhân của Hạnh để sử dụng. Khi cơ quan chức năng điều tra, trong tổng số 36 tài khoản (17 tài khoản cá nhân của Hạnh và 19 tài khoản công ty) chỉ còn hơn 4 tỷ đồng và bị cáo Hạnh không còn khả năng nộp lại số tiền thuế đã chiếm đoạt. Tổng thiệt hại ngân sách Nhà nước lên đến hơn 1.244 tỷ đồng. Mai Thị Hồng Hạnh đã sử dụng số tiền chiếm đoạt để mua bất động sản, cho vay mượn và đặc biệt là hối lộ nhiều cán bộ để “lách luật”.
Theo đó, để Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào các năm 2016 và 2021, bỏ qua lỗi vi phạm, được ưu đãi mua hàng và thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu..., từ năm 2016 - 2022, Mai Thị Hồng Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần với tổng số tiền hơn 31,5 tỷ đồng cho nhóm bị can giữ chức vụ lãnh đạo tại Bộ Công thương, Bộ Tài chính gồm: Đỗ Thắng Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương), Trần Duy Đông (cựu Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Lộc An (đều cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước)…
Cáo trạng kết luận, hành vi của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh và các đối tượng liên quan không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước mà còn làm tổn hại đến niềm tin của xã hội đối với các cơ quan quản lý. Hành vi hối lộ để duy trì lợi ích cá nhân, sự phát triển của công ty đã tạo ra chuỗi sai phạm và thấy rõ những lỗ hổng trong quản lý kinh doanh xăng dầu, cần sự chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc để bảo đảm tính minh bạch, công bằng.
Từ hôm nay 20/11, ngân hàng không được khuyến mại cho người gửi tiền
Kể từ hôm nay, 20/11, tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Thông tư 48 năm 2024 quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD) do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, có hiệu lực từ hôm nay (20/11).
Theo đó, TCTD áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân không vượt quá mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam đối với kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung cầu thị trường.
Theo Thông tư 48, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam quy định tại thông tư này bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ.
TCTD niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của TCTD.
TCTD khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Thông tư này thay thế Thông tư 08 năm 2014 quy định lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại TCTD.
Đối với các thỏa thuận lãi suất bằng đồng Việt Nam trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành (20/11/2024), TCTD và khách hàng tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, khách hàng không đến lĩnh tiền gửi, TCTD áp dụng lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư 48.
Để đảm bảo tính thống nhất về căn cứ pháp lý trong quá trình thực hiện, NHNN ban hành các quyết định quy định về lãi suất tiền gửi, trong đó chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi, gồm:
Quyết định số 2410 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 46. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức và của cá nhân là 0%/năm.
Quyết định số 2411 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 48.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
10 “quy tắc vàng” để tránh sập bẫy của các đối tượng lừa đảo qua mạng
Mới đây, Bộ Công an đã có thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm nhắm đến những người dân có thói quen mua sắm trực tuyến.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên giao hàng (shipper) hướng dẫn người mua hàng trực tuyến cài đặt phần mềm giả mạo để hoàn tiền thanh toán đơn hàng. Khi cài đặt phần mềm giả mạo, người dân có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại; các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ bị ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý mà không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển ĐTDĐ từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Nắm rõ và làm theo 10 “quy tắc vàng” nêu trên để chủ động bảo vệ mình trước những mối nguy từ tội phạm công nghệ cao. |
Cụ thể, đầu tháng 11-2024, chị B (2001, trú TP Hà Nội) có nhận được điện thoại của shipper (đối tượng lừa đảo đóng giả) thông báo có đơn hàng gửi đến. Chị B. yêu cầu để hàng vào nhà và thanh toán qua chuyển khoản. Sau đó, shipper đã gọi lại thông báo là gửi nhầm tài khoản thanh toán của shipper khác và yêu cầu chị B. truy cập vào một đường link của công ty giao hàng để nhận lại tiền gửi nhầm. Khi truy cập vào đường link, thực hiện theo hướng dẫn và quét mã QR thì tài khoản chị B bị trừ gần 100 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, chị B đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc.
Cũng vào đầu tháng 11-2024, một phụ nữ U40 ở xã miền núi Sơn Long (H. Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) suýt bị lừa mất 14 triệu đồng nếu như không được cơ quan Công an địa phương phát hiện, can thiệp kịp thời. Điều đáng nói, thủ đoạn lừa đảo mà người phụ nữ này gặp đã “xưa như trái đất” những vẫn cả tin. Theo đó, ngày 6-11, chị Đinh Thị R. (1988, trú xã Sơn Long) đến Cửa hàng Viettel ở xã Sơn Dung (H. Sơn Tây) để giao dịch chuyển 14 triệu đồng. Quá trình làm việc, nhân viên Cửa hàng Viettel nhận thấy chị Đinh Thị R. có dấu hiệu bị lừa đảo nên đã giải thích nhưng chị R. vẫn yêu cầu chuyển tiền. Với tinh thần cảnh giác, các nhân viên Cửa hàng Viettel đã kiên trì giải thích cho chị R. hiểu và thông báo cho cơ quan chức năng liên quan kịp thời ngăn chặn.
Nhận được thông tin trên, Công an xã Sơn Long đã mời chị R. đến trụ sở để làm việc. tại cơ quan Công an, chị R. trình bày, khoảng 2 tháng trước, thông qua mạng xã hội Facebook, chị có quen một người đàn ông tự xưng là người Anh. Hai người thường xuyên nhắn tin nói chuyện với nhau (không gọi điện thoại vì đối tượng nhắn tin rằng không biết tiếng Việt), sau đó đối tượng có bày tỏ tình cảm và được chị R. đón nhận. Đến ngày 1-11, đối tượng có nói sẽ gởi quà cho chị R., gồm: laptop, dây chuyền, vòng tay, đồng hồ và 50.000 đô-la. Đến ngày 4-11, có người gọi điện thoại cho chị R., tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát, thông báo chị R. có quà gởi từ nước Anh về, yêu cầu chị đóng phí 14 triệu đồng để nhận số quà trên. Do đó, ngày 6-11, chị R. đến Cửa hàng Viettel ở xã Sơn Dung để thực hiện giao dịch chuyển số tiền như đã nói trên. Qua làm việc, Công an xã Sơn Long đã tuyên truyền, dẫn chứng nội dung một số vụ việc lừa đảo có nội dung tương tự để chị R. biết, qua đó chị R. đã nhận thức rõ mình đã bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nắm rõ và làm theo 10 “quy tắc vàng” nêu trên để chủ động bảo vệ mình trước những mối nguy từ tội phạm công nghệ cao. |
Thời gian qua, tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại, nhiều người dân chưa có hiểu biết đầy đủ về các hình thức và thủ đoạn của loại tội phạm này, khiến họ dễ trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo qua mạng.Mặc dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng một số người dân vẫn thiếu cảnh giác, chỉ khi trở thành nạn nhân mới bắt đầu tìm hiểu thì đã muộn.
Vì vậy, để nhận biết, phòng ngừa và đối phó với tội phạm công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng, người dân cần nắm rõ 10 “quy tắc vàng” sau: 1- Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài. 2- Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. 3- Không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ. 4- Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát. 5- Giữ bí mật, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin về tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. 6- Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể cả là của người thân, bạn bè. 7- Cần gọi điện xác nhận nếu người nhận không nghe máy hoặc viện lý do không tiện nói chuyện thì kiên quyết không chuyển khoản để tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản mạng xã hội. 8- Khi tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm" thì không được sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân. Đồng thời, chỉ làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề. 9- Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. 10- Không tin, nghe theo những lời lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối.
Với việc thực hiện đúng 10 “quy tắc vàng” nói trên, người dân có thể chủ động bảo vệ mình trước những mối nguy từ tội phạm công nghệ cao, đồng thời góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc đấu tranh và ngăn chặn loại hình tội phạm này.
Phát hiện mới về khả năng phát hiện ung thư của ong và chó
Vừa qua, các nhà khoa học tại Mỹ cho biết những nghiên cứu mới đây đã phát hiện các loài động vật như ong và chó có khả năng phát hiện bệnh ung thư, mở ra những cơ hội tốt để kịp thời điều trị căn bệnh này trong giai đoạn đầu.
Theo các nhà khoa học tại Đại học bang Michigan, loài ong có thể sử dụng khứu giác siêu nhạy để có thể ngửi thấy ung thư phổi từ hơi thở của bệnh nhân. Tiến sĩ, Trợ lý Giáo sư Debajit Saha của trường cho biết: "Thế giới của chúng ta dựa trên thị giác, nhưng thế giới côn trùng lại hoàn toàn dựa trên khứu giác. Khứu giác của loài ong cực kỳ chính xác. Những thay đổi về mùi trong hơi thở xảy ra khi bệnh ung thư phát triển trong cơ thể".
Nghiên cứu trên chỉ ra rằng loài ong có thể phát hiện ung thư phổi và một số bệnh khác bằng cách phân biệt mùi của tế bào ung thư.
Để nghiên cứu, các nhà khoa học đã gắn điện cực vào não của ong trước khi cho chúng tiếp xúc với hợp chất tổng hợp mô phỏng hơi thở của bệnh nhân ung thư phổi. Xác suất để những con ong trong việc phân biệt giữa mùi hơi thở của bệnh nhân và hơi thở của người khỏe mạnh lên tới 93%. Bên cạnh đó, loài con côn trùng này cũng có thể phân biệt được các loại ung thư phổi khác nhau.
Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ góp phần tìm ra phương pháp mới phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Tiến sĩ Saha hy vọng có thể phát triển một hệ thống sử dụng các điện cực cấy vào não ong. Khi bệnh nhân thở ra, các cảm biến với sự kết hợp giữa não ong và công nghệ sẽ cung cấp kết quả theo thời gian thực.
Ông cho rằng việc sử dụng chẩn đoán dựa trên hơi thở có thể là một cuộc cách mạng trong việc phát hiện ung thư. Bởi vì những thay đổi về mùi hơi thở xảy ra ở giai đoạn đầu phát triển khối u, có thể góp phần chẩn đoán sớm trước khi khối u chuyển sang giai đoạn tệ hơn. Hệ thống dựa trên não ong có thể được đưa vào sử dụng trong vòng năm năm tới.
Ngoài nghiên cứu về ong, một số nhà khoa học cũng quan tâm tới loài chó để phát hiện ung thư. Theo đó, một trung tâm tại Đại học Pennsylvania đang huấn luyện chó nhận biết mùi liên quan đến ung thư.
Giám đốc điều hành của trung tâm, bà Cindy Otto cho biết chó có khứu giác rất tốt và có sự tương tác với con người theo cách quen thuộc, giúp chúng có khả năng chuyển tải thông tin một cách hiệu quả. Những chú chó tham gia chương trình sẽ sống với các gia đình nuôi dưỡng và đến trung tâm để “làm việc” hàng ngày.
Nhà nghiên cứu Clara Wilson cho rằng rằng nếu một số chú chó không hứng thú thì không thể cưỡng ép vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kết quả. Do đó cần phải khiến công việc của chúng như một trò chơi yêu thích. Mặc dù việc phát hiện ung thư có thể là một trò chơi đối với động vật nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy động vật phát hiện ung thư tốt hơn máy móc.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy khứu giác của chó tốt hơn loài người từ 10.000 đến 100.000 lần. Nhà nghiên cứu Amritha Mallikarjun cho biết độ nhạy của chó với mùi vượt trội hơn các thiết bị hiện có trên thị trường. Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu đặc tính của "mùi ung thư" để phát triển các công nghệ mô phỏng khả năng ngửi của chó, góp phần phát hiện sớm ung thư. Bà Otto nhấn mạnh tiềm năng của việc sử dụng động vật để nghiên cứu, cải thiện các phương pháp để phát hiện sớm các loại bệnh khác, không chỉ riêng bệnh ung thư.