Tin 24h ngày 12/11/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump
Tối ngày 11/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng ông Donald Trump đã được bầu là Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ và đánh giá cao những đóng góp của Tổng thống đắc cử trong quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với Tổng thống đắc cử Donald Trump về những kết quả tích cực của quan hệ Đối tác hiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua. Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng trao đổi với Tổng thống đắc cử Donald Trump về một số phương hướng lớn nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu.
Tổng thống đắc cử Donald Trump vui mừng một lần nữa có dịp trao đổi với Tổng Bí thư và chuyển lời chào đến nhân dân Việt Nam. Ông Donald Trump cũng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, khẳng định sự coi trọng quan hệ với Việt Nam và hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ, đề cập một số lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại mà Hoa Kỳ quan tâm và mong muốn thúc đẩy. Tổng thống đắc cử Donald Trump tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển. Ông chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về nhân dân Việt Nam, nhắc lại kỷ niệm với đất nước, con người Việt Nam qua 2 chuyến thăm trước đây.
Ông Donald Trump cũng đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm mời Tổng thống đắc cử Donald Trump thăm lại Việt Nam. Tổng thống đắc cử Donald Trump vui vẻ nhận lời và mời Tổng Bí thư Tô Lâm sang thăm lại Hoa Kỳ vào thời gian thích hợp.
Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Chile
Theo đặc phái viên TTXVN, tối 11/11 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Santiago de Chile, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân và chính thức khai trương Văn phòng Tuỳ viên Quốc phòng Việt Nam tại Chile.
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Chủ tịch nước Lương Cường và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang ở thăm chính thức Chile đã tham dự buổi lễ.
Cùng dự có Bộ trưởng Quốc phòng Chile Maya Fernandez Allende; đại diện các bộ, ngành Chile; đoàn ngoại giao và các cơ quan tuỳ viên quốc phòng tại Chile.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã điểm lại quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam kể từ thời điểm cách đây 80 năm khi vào ngày 22/12/1944, thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập. Kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, tinh hoa nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh, luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, xứng đáng là lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đùm bọc, che chở của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn đoàn kết một lòng, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân Việt Nam lập nên những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ mới, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết việc Đảng và Nhà nước lấy ngày 22/12/1989 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân vừa thể hiện sự kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam vừa tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là toàn dân tham gia xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, trong đó Lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Bộ trưởng khẳng định, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, những năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trên cả bình diện song phương và đa phương đạt hiệu quả thiết thực. Đối ngoại quốc phòng đã trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, là kênh quan trọng tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược, xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương thúc đẩy toàn diện quan hệ Việt Nam – Chile, thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Phan Văn Giang long trọng tuyên bố khai trương Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Chile.
Văn phòng Tùy viên Quốc phòng bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Chile sẽ là Văn phòng đại diện cho Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu và tiến hành các hoạt động đối ngoại quốc phòng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc phòng song phương cũng như các nhiệm vụ đối ngoại khác, góp phần phát triển và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Chile.
Bộ trưởng Phan Văn Giang tin tưởng rằng, với khí thế mới, đoàn kết sáng tạo, quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Chile sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Vui mừng và vinh dự được tham dự sự kiện đặc biệt này, Bộ trưởng Quốc phòng Chile Maya Fernandez Allende đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định buổi lễ được tổ chức tại Chile là minh chứng về mối quan hệ hợp tác, gắn bó trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước.
Bộ trưởng Maya Fernandez Allende cho biết cho rằng trong tổng thể mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Chile và Việt Nam, lĩnh vực quốc phòng cũng đóng một vai trò quan trọng và đã được hai nước đề cập tới trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Gabriel Boric và Chủ tịch nước Lương Cường, đồng thời được cụ thể hoá bằng bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng.
Bà Maya Fernandez Allende đánh giá cao việc Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định mở Văn phòng Tuỳ viên Quốc phòng tại Chile, coi đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, qua đó giúp cho hai bên tiếp tục thúc đẩy và tăng cường hợp tác trong các hoạt động cụ thể như cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, cũng như trao đổi kinh nghiệm và đào tạo học viên.
Hơn 200 tài liệu, hiện vật trưng bày tại triển lãm 'Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc'
Đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chiều 11/11, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc”.
Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến Trung Quốc trên hành trình bôn ba hoạt động cách mạng (11/11/1924 - 11/11/2024); hướng tới Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (1950-2025).
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, phấn đấu không mệt mỏi vì hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới, dày công vun đắp và phát triển tình hữu nghị giữa hai Đảng, nhân dân hai nước Việt - Trung.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Trung Quốc là nơi Người từng đến nhiều lần, sinh sống ở đó trong nhiều khoảng thời gian, kết giao với nhiều bạn bè Trung Quốc và để lại những tình cảm sâu đậm. Nhiều địa danh trên đất Trung Quốc còn ghi dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có sức lay động lòng người và trở thành biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, triển lãm được tổ chức với mong muốn truyền tải thông điệp: Tình hữu nghị sắt son, bền chặt, kề vai sát cánh trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước giữa Việt Nam - Trung Quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các nhà lãnh đạo tiền bối dày công gây dựng, vun đắp chính là tài sản chung vô cùng quý báu, là nền tảng của sự phát triển. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam - Trung Quốc cần “kế thừa tốt, bảo vệ tốt, phát huy tốt” tài sản quý báu ấy.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, trưng bày chuyên đề “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh lần này là một hoạt động văn hóa thiết thực, có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần vun đắp 'Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi' như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói”, ông Vũ Mạnh Hà bày tỏ.
Triển lãm “Dấu chân Hồ Chí Minh ở Trung Quốc” gồm 3 phần: “Dấu chân cách mạng - Khơi nguồn hữu nghị”, “Khắp dải đất Trung Hoa - Khắc sâu tình hữu nghị”, “Dấu ấn Hồ Chí Minh - Tình hữu nghị mãi trường tồn”, giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu và hiện vật, những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu lại trên đất nước Trung Quốc, thể hiện quan hệ hữu nghị bền chặt giữa nhân dân Trung Quốc với Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình hữu nghị cách mạng lâu dài giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Trong hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu trưng bày tại triển lãm, có nhiều hiện vật độc bản, đặc sắc phản ánh sâu đậm dấu chân hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc qua các thời kỳ. Tình cảm thân thiết của Người với các đồng chí, bạn bè và nhân dân Trung Quốc cho đến nay vẫn luôn hiện hữu trong tâm khảm của nhiều người dân nơi đây.
Ngày nay, những địa danh ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Quốc đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân Trung Quốc bảo tồn, phát huy giá trị, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, giao lưu hữu nghị cho các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây không chỉ là những di tích lưu niệm quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc, còn là di sản tinh thần vô giá, gắn kết và truyền thụ tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân Việt Nam – Trung Quốc.
Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ 11/11/2024 đến hết tháng 4/2025.
Thời tiết ngày 12/11: Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Bắc, gió giật cấp 12
Lúc 4 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/giờ), giật cấp 12. Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15 km/giờ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 12/11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 7) tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Lúc 1 giờ ngày 12/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Quảng Nam - Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 15-20 km/ giờ.
Lúc 13 giờ ngày 12/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển các tỉnh Quảng Ngãi-Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh dưới cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Nam, tốc độ 15 km/giờ, suy yếu thành vùng áp thấp. Vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trên biển, vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên-Huế đến Bình Định (bao gồm vùng biển huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9, sóng biển cao 2-3 m; biển động.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, sáng sớm 12/11, bão Toraji gần Biển Đông đã trở thành bão số 8.
Lúc 4 giờ ngày 12/11, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 118,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102 km/giờ), giật cấp 12. Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15 km/giờ.
Lúc 4 giờ ngày 13/11, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (89-102 km/giờ), giật cấp 12. Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ. Phía Đông khu vực Bắc Biển Đông độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Lúc 4 giờ ngày 14/11, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15 km/giờ, cường độ suy yếu dần. Khu vực Bắc Biển Đông độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Lúc 4 giờ ngày 15/11, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Bão số 8 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Trên biển, ngày và đêm 12/11, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 5-7 m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Hướng dẫn cách viết và gửi thư UPU lần thứ 54 đúng quy định
Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 năm 2025 vừa được phát động, có chủ đề “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”.
Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.
Cuộc thi cũng giúp các em tiếp cận và nhận thức các vấn đề của xã hội, thời đại và thể hiện suy nghĩ đối với những vấn đề này; bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội, đất nước và thế giới. Đồng thời, cuộc thi giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
Ngày 11/11, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 54 năm 2025 đã chính thức được phát động. Dưới đây là một số điểm quan trọng các em cần lưu ý để có bài dự thi đúng quy định.
Chủ đề cuộc thi
Năm 2025, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề: “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một bức thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”.
Tiếng Anh là: “Imagine you are the ocean. Write a letter to someone explaining why and how they should take good care of you”.
Theo đại diện ban tổ chức, với chủ đề năm nay, học sinh được hóa thân thành đại dương để nêu lên những vấn đề mình đang phải đối mặt, trong đó nổi bật nhất là ô nhiễm môi trường biển.
Các em có thể vận dụng trí tưởng tượng và sự sáng tạo không giới hạn để trò chuyện, tâm sự, nhắc nhở mọi người về vai trò của đại dương cũng như chia sẻ những giải pháp, hành động cụ thể để bảo vệ đại dương, biển và hệ sinh thái biển; thể hiện trách nhiệm của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn thiên nhiên, vì sự phát triển bền vững.
Quy định về bức thư dự thi
Khi tham gia, học sinh lưu ý nắm vững thể lệ, quy định, thời gian nhận bài dự thi để có một bài dự thi hợp lệ.
Theo Ban Tổ chức, đối tượng dự thi là học sinh Việt Nam từ 9 đến 15 tuổi (tính đến thời điểm gửi thư tham dự cuộc thi). Các em cần đảm bảo đúng những quy định sau:
Thứ nhất, bức thư là sản phẩm sáng tạo của cá nhân học sinh, viết dưới dạng văn xuôi theo chủ đề của cuộc thi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.
Thứ hai, các bức thư dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo sẽ chấm theo bản tiếng Việt.
Thứ ba, bức thư dự thi trình bày rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (lưu ý không viết vào mặt sau, có thể viết nhiều tờ, đánh số trang, ghim lại để tránh bị nhầm lẫn). Bức thư dự thi đánh máy vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ.
Thứ tư, ở góc trên cùng bên trái bức thư dự thi cần ghi đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, địa chỉ trường, lớp, huyện (thị), tỉnh (thành phố), số điện thoại. Bức thư dự thi không ghi đầy đủ các nội dung trên là không hợp lệ.
Hướng dẫn cách gửi bài dự thi
Khi gửi bài dự thi, học sinh cần thực hiện như sau: Mỗi bức thư dự thi phải cho vào phong bì có dán tem bưu chính, ghi rõ địa chỉ người gửi, địa chỉ nơi nhận kèm mã bưu chính (11611) và gửi qua hệ thống bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Phong bì thư cần ghi rõ: Bức thư dự thi Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 54 (năm 2025). Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, số 5, phố Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội - 11611.
Thời gian nhận bài dự thi từ 11/11/2024 đến 5/3/2025 (theo dấu Bưu điện).
Theo Ban tổ chức, việc dự thi không bắt buộc 100% học sinh của các trường tham gia. Tất cả các bài dự thi không dán Tem bưu chính hoặc không gửi qua Bưu điện Việt Nam đều không hợp lệ.
Bản quyền các bài tham dự cuộc thi thuộc về Ban Tổ chức, các em học sinh không đưa bức thư dự thi lên báo chí, truyền hình hoặc mạng xã hội khi Ban Tổ chức chưa công bố kết quả.
Cùng đà với thế giới, giá vàng trong nước sáng 12/11 giảm sâu
Giá vàng nhẫn và giá vàng miếng SJC trong nước sáng 12/11 tiếp tục giảm sâu. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN |
Dư âm bầu cử Mỹ kéo giá vàng thế giới giảm khiến giá vàng nhẫn và giá vàng miếng SJC trong nước sáng 12/11 tiếp tục giảm sâu.
Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 50 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 80,6 - 84,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với chốt phiên hôm qua. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 80,6 - 84,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự với giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn giảm mạnh, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 81,4 - 83,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,75 triệu đống/lượng ở chiều mua vào và giảm 1,55 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC công bố giá vàng nhẫn ở mức 80,5 - 83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,3 triệu đồng/lương ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua. Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm hơn 2% vào phiên giao dịch đầu tuần 11/11, chịu áp lực từ việc đồng USD tiếp tục tăng, cũng như những tác động từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đối với chính sách tài khoá và lãi suất.
Giá vàng giao ngay giảm 2,5%, xuống còn 2.617,96 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 2,9%, chốt ở mức 2.617,70 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng 0,5% trong phiên này, đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2024, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn với người mua không dùng đồng USD. Tuần trước, chỉ số này tăng hơn 1,5% lên 105,44, ngay sau khi có thông báo về chiến thắng của ông Trump.
Ngân hàng TD Securities cho biết: “Khả năng các mức thuế quan mới sẽ được áp dụng tương đối sớm trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với đồng USD. Đồng USD mạnh hơn đang gây áp lực lên giá vàng lần đầu tiên sau nhiều tháng vì nó cũng liên quan đến khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ”.
Giá vàng đã chứng kiến tuần giảm mạnh nhất trong hơn 5 tháng sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11. Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Fed đang cân nhắc cắt giảm lãi suất khi lạm phát tiến gần mức mục tiêu 2%.
Người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút/ngày
Một trong những điểm mới của Nghị định 147/NĐ-CP/2024 vừa mới được Chính phủ ban hành là khống chế người dưới 18 tuổi không được chơi một game quá 60 phút/ngày và không quá 180 phút tất cả các trò chơi.
Cụ thể, theo Điều 39 của Nghị định về Cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải có hệ thống kỹ thuật quản lý thời gian chơi game của người chơi dưới 18 tuổi. Mỗi tài khoản chỉ được phép chơi một trò chơi tối đa 60 phút/ngày và tổng thời gian chơi của tất cả các trò chơi không được vượt quá 180 phút.
Những đơn vị phát hành phải có thông tin khuyến cáo "chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe", thông tin này phải được hiện tại vị trí dễ nhận biết ở diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị với tần suất 30/lần trong suốt quá trình chơi.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành cuối tuần qua, thay thế cho Nghị định 72/2013 và 27/2018.
Nghị định mới bổ sung các điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ 11 điều kiện bao gồm các vấn đề về kỹ thuật, tài chính, nhân sự, kết nối.
Trước đây, Nghị định 27/2018/NĐ-CP chỉ quy định về giới hạn thời gian 180 phút và áp dụng với trò chơi được phân loại G1 - tức có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp.
Nghị định mới mở rộng thêm quy định về việc chơi 60 phút một trò, đồng thời áp dụng trong việc cấp phép mọi trò chơi G1, G2, G3, G4 (trò chơi online, offline, có tương tác giữa người chơi với nhau hay người chơi với máy).
Doanh nghiệp cũng phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật bảo đảm lưu trữ, cập nhật đầy đủ thông tin người chơi tại Việt Nam, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động và bắt buộc phải xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động.
Đối với người dưới 16 tuổi, phải có cha/mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin.. Cùng với đó, nhà phát hành trò chơi phải đảm bảo các điều kiện về nội dung game: phân loại theo lứa tuổi, không mô phỏng trò chơi trong casino (sòng bài), sử dụng hình ảnh lá bài hay các hành động khiêu dâm, bạo lực và trái thuần phong mỹ tục.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur, Viễn Đông (Nga), ngày 13/9/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Triều Tiên phê chuẩn Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Nga
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 12/11 đưa tin, Triều Tiên đã phê chuẩn "Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và Liên bang Nga", thành sắc lệnh của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên vào ngày 11/11/2024.
Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết hiệp ước trên tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024. Hiệp ước này sẽ có hiệu lực từ ngày hai bên trao đổi văn kiện phê chuẩn.
Động thái của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng về việc Bình Nhưỡng điều quân tới Nga. KCNA nhấn mạnh, hiệp ước trên có điều khoản cam kết hai nước sẽ hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một bên bị tấn công./.