Đại biểu muốn Quốc hội cân nhắc thêm về luật đặc khu
Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị lùi thời gian, không thông qua dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là luật đặc khu) tại kỳ họp thứ 5 lần này.
Phát biểu trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay (7/6) về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đã lên tiếng đề nghị hoãn thông qua dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Ảnh: Quochoi.vn) |
Phải cân nhắc cẩn trọng
Ông Thái Trường Giang nhấn mạnh: "Vì những thực tiễn phát sinh trong thời gian gần đây, đề nghị Quốc hội xem xét lại, ví vụ trong dự kiến năm 2019 chúng ta giám sát đất đai giai đoạn 2014-2018, nếu được thì chúng ta lồng ghép làm một chương trình giám sát ở 3 khu mà chúng ta chuẩn bị thông qua đặc khu. Vấn đề đất đai ở đó sử dụng chuyển đổi mục đích, giao dịch như thế nào để có cơ sở đánh giá kỹ vấn đề mà dư luận đang quan tâm".
Theo đại biểu Thái Trường Giang, để giám sát chặt chẽ thì Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần phải cân nhắc cẩn trọng, không thông qua trong kỳ họp này.
Bên cạnh đó, ông Thái Trường Giang đề nghị tiến hành kiểm tra đất đai ở các đặc khu và thông qua trong kỳ họp tới, bởi theo ông, như thế sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội vừa qua.
Có cùng quan điểm với đại biểu Thái Trường Giang, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, dự luật này chưa thể thông qua mà cần dời lại để bàn kỹ, cần thiết thì phải xin ý kiến nhân dân.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Ảnh: Quochoi.vn) |
Theo phân tích của ông Lê Thanh Vân, dự luật về đặc khu có mục tiêu đúng, với mong muốn thiết kế được một "phòng thí nghiệm về thể chế", tạo ra sự đột phá cho sự phát triển. Tuy nhiên, nội dung của dự thảo luật còn một số vấn đề cần phải tiếp tục đánh giá kỹ càng, tạo nhận thức chung, phù hợp với mô hình và đặc điểm của Việt Nam.
Đại biểu này lưu ý: phải đánh giá kỹ các vấn đề, trước hết là mô hình đặc khu. Đến nay, thế giới đã trải qua ba thế hệ của mô hình đặc khu: Cảng tự do sơ khai, các đặc khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế hướng vào các giá trị lõi.
Ở thế hệ thứ hai, do bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực còn bị khép kín nên rất cần mở cửa với các ưu đãi vượt trội, hấp dẫn, lôi kéo mọi nguồn lực. Ngày nay, kinh tế thế giới, khu vực đã thay đổi theo hướng mở với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do vậy, vấn đề cốt tử là môi trường đầu tư chứ không phải là các ưu đãi, ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, chia sẻ trên Cafebiz, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, khi Chính phủ chưa cung cấp được hết các thông tin, chưa giải trình được hết các tình huống lợi và hại, Quốc hội chưa đủ điều kiện xem xét, thảo luận, tranh luận, cân nhắc thấu đáo để thông qua luật và các đề án về 3 đặc khu, trong tình huống đó mà vẫn thông qua thì là sự "đánh cược".
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (Ảnh: KT) |
TS. Võ Trí Thành cho rằng, Quốc hội cũng như Chính phủ không nên "mạo hiểm" khi thông qua những quyết định liên quan đến chủ quyền và lợi ích quốc gia, số phận và quyền lợi của đa số nhân dân trong thời hạn 50, 70 năm hay xấp xỉ một thế kỷ.
Cần thận trọng nhưng không nên quá cầu toàn
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật đặc khu) - nhấn mạnh, nguyên tắc số 1 khi thiết kế luật đặc khu là phải đảm bảo quốc phòng an ninh.
"Quyền bây giờ là thuộc Quốc hội. Cơ quan soạn thảo giờ không có quyền, chúng tôi lắng nghe và Uỷ ban TVQH chỉ đạo thế nào thì sẽ thực hiện. Cơ quan soạn thảo cũng nhiều lần trình bày quan điểm. Cái đúng thì các cơ quan phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa, cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. Cái gì cũng sợ thì không làm được", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần thận trọng nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Đây là một luật mới, khó và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên tính phức tạp và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đòi hỏi phải có nghiên cứu hết sức thận trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị với Quốc hội cho phép thông qua luật đặc khu trong kỳ họp lần này để sớm ban hành sớm triển khai. Theo quan điểm của ông, trong quá trình triển khai thực hiện, có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi chứ không chỉ dừng lại ở đây.
Một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được đưa ra thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vào ngày 23/5 vừa qua.
Theo chương trình dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc vào ngày 15/6 tới./.