cu huynh thuc khang tam guong sang ngoi ve tinh than yeu nuoc
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (áo dài đen, đeo kính bên phải) chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một sự kiện. Ảnh: Tư liệu

Huỳnh Thúc Kháng sớm nổi danh là một đại khoa trẻ tuổi, được xếp đầu trong 3 người hay chữ (tam hùng) đất Quảng Nam là: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu.

Huỳnh Thúc Kháng đỗ Giải Nguyên (Thủ khoa) năm Canh Tý (1900) khi 21 tuổi và đỗ Tam giáp Tiến sĩ Hội Nguyên, năm Giáp Thìn (1904) tại trường thi Thừa Thiên, nhưng không chịu ra làm quan mà tham gia phong trào yêu nước, bị thực dân Pháp đày đi Côn Lôn (Côn Đảo) 13 năm.

Mãn tù, Khâm Sứ Trung Kỳ Pasquier lại chiêu dụ cụ ra làm quan. Cụ Huỳnh dứt khoát: “Tôi chỉ có cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan cho nên mới bị đi tù, trước đã thế huống chi bây giờ, xin ngài miễn nói đến việc ấy”.

Năm 1926, cụ Huỳnh ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được bầu làm Viện Trưởng. Nhưng chỉ 2 năm sau, cụ rút khỏi nghị trường sau bài diễn văn nổi tiếng đọc tại Viện Dân biểu Trung Kỳ ngày 01/10/1928, mà dư luận lúc bấy giờ cho đó là một bản cáo trạng công khai lên án chế độ thực dân tàn bạo và lỗi thời.

Năm 1927, cụ Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Huế. Báo Tiếng Dân ra số đầu tiên vào ngày 10/8/1927, với ý định chống lại chính quyền bảo hộ. Hầu hết các bài xã luận đăng trên báo Tiếng Dân đều do cụ Huỳnh Thúc Kháng viết với mục đích động viên lòng yêu nước của mọi người dân. Rất nhiều lần Sở Kiểm duyệt của thực dân Pháp buộc Tòa soạn phải sửa chữa theo ý muốn của chúng, nhưng cụ Huỳnh nhất định không chịu và bảo: “Hoặc là cho đăng nguyên văn, hoặc là bỏ, một chữ cũng không sửa”.

Lúc bấy giờ, Ginouvea, Phó Công sứ Đà Lạt, người Pháp, hống hách thường coi nhân viên dưới quyền - người Việt Nam như tôi mọi. Một hôm, hắn chửi thậm tệ một viên phán sự gia. Mấy ngày sau, trên tờ Tiếng Dân, người ta thấy đăng tin này với lời lẽ phê phán gay gắt. Tòa Khâm sứ Huế liền yêu cầu viên Công sứ Đà Lạt báo cáo ngay nội dung sự việc. Sau đó, viên công sứ Đà Lạt viết thư cho cụ Huỳnh yêu cầu cụ cho biết tên tác giả viết tin ấy. Cụ Huỳnh trả lời: “Nếu báo Tiếng Dân đăng sai, ông cứ truy tố tôi, còn tên người viết thì tôi không thể cho ông biết được”.

Sau sự việc này, Tòa Khâm sứ Huế ra thông tư cấm các quan chức người Pháp không được có những lời khiếm nhã đối với viên chức người Việt Nam.

Trong đời làm báo của mình, cụ Huỳnh đã xác định: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”.

Tờ báo Tiếng Dân là tờ báo chính trị, nhưng cụ Huỳnh không quên đăng các bài thơ, văn tuyển chọn, thường là của Phan Bội Châu, Phan Tây Hồ, Bích Khê và nhiều cây bút tên tuổi khác. Chế độ kiểm duyệt thời đó bắt buộc mọi bài vở phải dịch sang tiếng Pháp thành 3 bản, gửi tòa Khâm sứ trước khi in. Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ không thể chấp nhận thái độ “khó bảo” đó của cụ Huỳnh, ngày 21/4/1943, đã ra quyết định đình bản Báo Tiếng Dân. Với người làm báo và cầm bút trong chế độ thuộc địa không có tự do báo chí, thì vùng vẫy được như cụ Huỳnh và Báo Tiếng Dân của cụ quả là dũng cảm vì lòng yêu nước thương nòi. Với 1766 số Báo Tiếng Dân đã góp phần nuôi đốm lửa nhiệt huyết ái quốc trong lòng dân chúng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cụ Huỳnh đã ở độ tuổi 70. Đối với cụ, Cách mạng tháng Tám đã mở ra cho đất nước một mùa xuân:

Hồn nước từ đây trời mở cửa

Đố ai ngăn đặng ngọn Xuân trào!

Cũng năm ấy, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh tham gia Chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt.

Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, cụ Huỳnh lên đường vào Nam Trung Bộ với chức vụ đại diện Chính phủ Trung Ương.

Tháng 3/1947, trên đường đi kinh lý miền Nam Trung Bộ, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và qua đời ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi. Cả nước để tang cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt.

Được tin buồn, Hồ Chủ tịch đau đớn làm bài thơ bằng chữ Hán, rồi Người tự dịch ra Quốc ngữ:

Than ôi!

Bể Đà Nẵng triều thảm

Tháng tư tin buồn đến

Huỳnh Bộ trưởng đi đâu?”

Trong thư báo tin lễ quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao…Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không nản chí, oai vũ không sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng không những là một nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng, mà còn là một nhà báo can trường và nhân ái.

Trường đào tạo cán bộ viết báo Huỳnh Thúc Kháng là trường đầu tiên và duy nhất dạy làm báo của nước ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trường là nơi đào tạo ngắn hạn, số học viên không đông, nhưng khá quy mô về nội dung.

Ban giám đốc nhà trường gồm có: Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Độc lập, làm Giám đốc; ông Xuân Thủy, Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu quốc, làm Phó Giám đốc; ba vị ủy viên của Ban Giám đốc là các ông Như Phong, Đỗ Phồn và Tú Mỡ.

Trong lễ khai giảng, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, ông Hoàng Quốc Việt đã đọc diễn văn nói rõ:…Lớp học mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương vị lão thành ái quốc và đồng thời cũng là nhà báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản của một ký giả.

Khóa đầu khai giảng ngày 4/4/1949, có 42 học viên là cán bộ của các báo Trung ương, Việt Nam thông tấn xã, các ngành, các đoàn thể, các liên khu, đơn vị quân đội, các Ty thông tin.

Đội ngũ giảng viên khá đông gồm 29 người, là các đồng chí lãnh đạo, Bộ trưởng, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Tạo, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Văn Tân, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Từ Giấy, Quang Đạm…

Chương trình giảng dạy khá phong phú, thời gian học là ba tháng học tập, gồm ba phần: lý thuyết, chuyên môn, thực hành. Về lý thuyết có các bài: Báo chí là gì? Lịch sử báo chí thế giới và nước ta; Điều kiện người viết báo? Tình hình thế giới, tình hình trong nước, cuộc trường kỳ kháng chiến của nước ta…

Về chuyên môn có các bài giảng về viết phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách soạn tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, việc phát hành, việc in báo…

Về thực hành, thi viết phóng sự, điều tra, phỏng vấn. Các tổ học tập ra tờ báo tường của tổ.

Phần lớn bài giảng chưa có giáo trình đầy đủ, chỉ có đề cương, có khi chỉ là một buổi nói chuyện.

Đồng chí Trường Chinh lúc đó là Tổng bí thư của Đảng, đích thân giảng bài quan trọng nhất trong chương trình khóa học: Bài “Viết xã luận”. Bài này cho đến nay vẫn đang lưu giữ trong tư liệu các tòa soạn báo chí và thư viện. Đại tướng Võ Nguyễn Giáp giảng bài: “Viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào?”. Ông Trần Huy Liệu kể lại những kinh nghiệm khi ông viết báo, Rạng Đông, Đông Pháp thời báo, làm báo Quốc dân đảng trong nhà tù Côn Đảo, làm báo cộng sản trong nhà tù Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ; Họa sĩ Trần Đình Thọ (sau này làm Giám đốc trường Cao đẳng Mỹ thuật) giảng về cách trình bày trang báo. Các ông Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng nói về đăng vở kịch trên báo, về bình phẩm kịch và về quảng cáo kịch trên báo.

Nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ…đến với lớp, không phải để nói về nghệ thuật mà nói về kinh nghiệm làm báo, hoặc về công việc của mình lúc viết báo, làm báo.

Ngày 6 tháng 7 năm 1949, khóa học đầu tiên bế mạc. Mọi người xúc động nghe Ban Giám đốc nhà trường đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng:

***

“Các bạn yêu quý!

Tôi rất vui lòng nhận được tin các bạn đến học viết báo. Tiếc vì điều kiện chưa tiện, tôi không đến thăm các bạn được. Đây tôi có vài ý kiến để giúp các bạn nghiên cứu.

Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:

1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.

2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì:

3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc, vì vậy:

4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:

Nội dung: tức là các bài báo viết phải đơn giản, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát và;

Hình thức: tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.

Hiện nay, các báo của ta thường có những khuyết điểm sau đây:

Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Không biết giữ bí mật, đôi khi đăng tin vịt. Hay dùng chữ Tàu quá, nhiều khi không đúng. Hoặc in nhem nhuốc, luộm thuộm hoặc vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc. Tin tức chậm. Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.

Muốn viết báo thì cần:

1- Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

2- Ít nhất thì cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học tập kinh nghiệm của người.

3- Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu.

4- Luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú, các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu:

Tất cả để chiến thắng

Chào thân ái và quyết thắng”

Hồ Chí Minh

***

Trong sổ cảm tưởng bế mạc lớp học, đồng chí Trường Chinh ghi: “Khóa thứ nhất trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm rất hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”./.