Công nghiệp Thái Nguyên: Nỗ lực vươn xa trên chặng đường mới
Các thế hệ cán bộ, công nhân người lao động Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng, phát triển Công ty.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) giành thắng lợi, cùng với nhân dân miền Bắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ hoàn thành cải cách ruộng đất, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đến ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập công trường khu Gang Thép Thái Nguyên. Hơn 22.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây, thi đua hăng say lao động. Đến đúng ngày 2/9/1960, công trường Khu công nghiệp Gang Thép khởi công bằng việc đổ bê tông móng lò cao số 1 - mở đầu một giai đoạn lịch sử của ngành luyện kim hiện đại Việt Nam. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm, lớp lớp các thế hệ cán bộ, công nhân người lao động Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng, phát triển Công ty.

Ông Nguyễn Minh Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên chia sẻ: "Với tinh thần thép, bản lĩnh của con người thép gang, chúng tôi luôn luôn đoàn kết, biết dựa vào nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao".

Sau khu công nghiệp Gang Thép, năm 1960 cũng là mốc thời gian đánh dấu hàng loạt xí nghiệp quốc doanh địa phương, với các ngành nghề như: khai thác sản xuất, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, thực phẩm, dệt, da, may mặc được hình thành và đi vào hoạt động. Trải qua những đòi hỏi cấp thiết của quá trình đổi mới, của tiến trình phát triển từng giai đoạn, Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên qua các nhiệm kỳ đã đề ra những mục tiêu lớn nhằm xây dựng tỉnh trở thành trung tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp để tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng. Để thực hiện mục tiêu này, công tác cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thu hút đầu tư đã được tỉnh tiên phong thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Các cấp chính quyền trong thời gian qua luôn đồng hành với doanh nghiệp, thể hiện qua việc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 09 chỉ đạo các cấp, ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, như một cuộc cải cách hành chính, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là cán bộ, công chức hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều".

Ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: "UBND huyện Phú Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, làng nghề cũng như các hạ tầng xã hội khác; tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính làm sao các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, chính xác, đầy đủ, kịp thời, trong thời gian ngắn nhất để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, người dân tham gia đạt kết quả tốt nhất".

Công nghiệp Thái Nguyên: Nỗ lực vươn xa trên chặng đường mới

Bên cạnh công nghiệp địa phương và công nghiệp khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh, Thái Nguyên cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới với các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, với những bước đột phá khi xây dựng thành công nhiều khu công nghiệp tập trung, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, trong đó, ngoài Tập đoàn Samsung với Tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, từ đó, đã tạo thành chuỗi các dự án phụ trợ, dần lấp đầy các khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công... Hay mới đây nhất, Tập đoàn Sunny – doanh nghiệp đứng đầu về thiết bị quang điện tử, quang học và thiết bị đo đạc trên toàn thế giới cũng đã đầu tư Dự án số 2 tại Thái Nguyên, phấn đấu xây dựng nhà máy tại Thái Nguyên trở thành nhà máy lớn nhất ngoài lãnh thổ Trung Quốc trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Ông Liu Wei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam cho hay: "Chúng tôi đến Thái Nguyên chủ yếu dựa vào môi trường đầu tư thuận lợi tại đây. Hiện tại, chúng tôi mới đi vào sản xuất, có một số thiết bị chúng tôi đã ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam và các doanh nghiệp của Thái Nguyên. Để tăng cường hợp tác, chúng tôi sẽ nhanh chóng thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên".

Biết phát huy sức mạnh nội sinh và năng lực liên kết với các vùng, miền; tranh thủ thời cơ, mở rộng quan hệ hợp tác với bạn bè quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, phát triển. Qua đó, nâng cao được vị thế, uy tín trong thu hút đầu tư, thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển. Minh chứng là trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 16,3%/năm (vượt 1,3% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX). Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2020 đạt 803.0000 tỷ đồng, đứng thứ tư về quy mô giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2021, mặc dù, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt gần 610.000 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ và bằng 72,5% kế hoạch cả năm. Chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm chuyển đổi số, Trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Với bề dày lịch sử là “cái nôi” ngành luyện kim cả nước, cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, tin tưởng Thái Nguyên chắc chắn sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế ngày càng năng động, phát triển./.