Công nghiệp Thái Nguyên, xứng tầm vị thế trung tâm vùng
Các khu và cụm công nghiệp nộp ngân sách hàng năm chiếm gần 50% tổng thu ngân sách tỉnh Thái Nguyên. |
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 6 khu công nghiệp với diện tích 1.420 ha và 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 2.600 ha. Trong số 6 khu công nghiệp, hiện đã có 4 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với 237 dự án đang sản xuất kinh doanh ổn định. Trong đó, có 119 doanh nghiệp FDI và 118 doanh nghiệp DDI.
Tổng vốn đăng ký kinh doanh trong các khu công nghiệp là trên 8,5 tỷ USD và gần 16 nghìn tỷ đồng, tạo doanh thu hàng năm ước đạt trên 30 tỷ USD và trên 8 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hàng năm chiếm gần 50% tổng thu ngân sách tỉnh. Đó là thành quả từ những chủ trương đúng đắn, chính sách cởi mở, thông thoáng, đặc biệt là quan điểm xuyên suốt: “đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư”.
Ông Park Byung Kyn, Tổng Giám đốc Công ty DongSung Vina Thái Nguyên cho biết về quyết định đầu tư của đơn vị: "Có nhiều lý do để chúng tôi quyết định đầu tư vào Khu công nghiệp Điềm Thụy Thái Nguyên. Trước nhất, Thái Nguyên, Khu công nghiệp Điềm Thụy có hệ thống giao thông thuận lợi, kết nối với nhiều tỉnh trung tâm trong khu vực. Đặc biệt là gần cảng hàng không Quốc tế Nội Bài. Và hơn thế, khi đầu tư tại đây Dong Song Vina luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía chính quyền địa phương, cụ thể là chính sách đầu tư có nhiều thuận lợi hơn so với các tỉnh lân cận. Đặc biệt là thủ tục đăng ký đầu tư thuận lợi và nhanh gọn".
Tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt vấn đề cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh |
Cùng với những điểm sáng trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, những 5 năm qua, lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương cũng đã có sự bứt phá khá ấn tượng. Với thế mạnh truyền thống là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng, những năm qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,4%. Chỉ tính riêng trong năm 2020, giá trị công nghiệp địa phương ước đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại TNG: "Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng như nhà đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên đã đánh giá rất cao về vấn đề cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Điều này đã giúp cho các doanh nghiệp không những phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định mà còn có tính bền vững, góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh".
Còn bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên thì khẳng định: "Cộng đồng doanh nhân nữ tỉnh Thái Nguyên đã thay đổi rất nhiều kể cả về chiều sâu và chiều rộng. Có nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh , đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ mỗi năm".
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên có mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,4% |
Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp vùng nông thôn, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chính sách hướng đến phát triển tiểu thủ công nghiệp. Cụ thể, đã có 212 đề án khuyến công được triển khai, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 18 tỷ đồng. Thực tế, tác chương trình, đề án được triển khai đã thực sự là đòn bẩy khuyến khích các làng nghề, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ mới, thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Trên cơ sở đó, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 16,3%, cơ cấu kinh tế toàn ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 59% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công thương Thái Nguyên cho biết về định hướng: "Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với doanh nghiệp để thu hút đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó tập trung vào các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có ứng dụng công nghệ cao cũng như có giá trị gia tăng, đồng thời khôi phục lại sản xuất của những ngành công nghiệp là lợi thế, thế mạnh của địa phương".
Chặng đường 5 năm, giai đoạn 2016-2020, với nhiều thành tựu quan trọng tạo nền móng vững chắc để tỉnh Thái Nguyên vươn lên khẳng định là trung tâm kinh tế của vùng Trung du Miền núi phía Bắc. Những con số ấn tượng trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mà điểm nhấn là kết quả thu hút các dự án FDI vào các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Samsung và các nhà đầu tư phụ trợ đã đưa Thái Nguyên vươn lên vị trí thứ tư về quy mô phát triển công nghiệp trong cả nước. Đây sẽ là động lực, đòn bầy để tỉnh Thái Nguyên sớm hoàn thành khát vọng là tỉnh công nghiệp trong tương lai./.