Công nghệ khí hóa sinh khối - góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường và các vấn đề năng lượng
Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối nhằm tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo thành năng lượng phục vụ sản xuất. |
Theo tính toán của Viện Năng lượng, Việt Nam hiện có 118 triệu tấn sinh khối hàng năm và chỉ có 11% số này được sử dụng. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình vẫn sử dụng than và củi để đốt trực tiếp trong chế biến nông sản. Phương thức này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, tăng chi phí sản xuất và giảm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một lượng lớn phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp đang bị đốt hoặc coi như chất thải, vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường. Anh Hoàng Văn Tuấn, HTX Chè an toàn Phú Đô, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương chia sẻ: "Đối với cách truyền thống, mình sẽ dùng củi trong lò đốt, sẽ phát sinh nhiệt nóng, khói bụi. Việc chế biến trà của người dân trở nên vất vả hơn".
Công nghệ khí hóa sinh khối là giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn ở Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. |
Tại Thái Nguyên, nguồn năng lượng sinh khối địa phương được nhận định tương đối sẵn có và dồi dào. Đây có thể trở thành nhiên liệu, chất đốt phục vụ sản xuất, giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường, đồng thời giúp giảm chi phí chất đốt trong bối cảnh giá xăng, gas, điện… ngày càng tăng. Trong bối cảnh đó, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (gọi tắt là CCS) đang triển khai Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” (gọi tắt là BEST) tại các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái, nhằm tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo thành năng lượng phục vụ sản xuất, hỗ trợ các hộ và doanh nghiệp chế biến nông sản siêu nhỏ và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về công nghệ VCBG, Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững CCS cho hay: "Công nghệ này là máy chuyển hóa rác sinh khối thành gas, giúp bà con thay thế các loại nhiên liệu khác, có thể dùng trong bất cứ nhu cầu nhiệt nào".
Triển khai tại Thái Nguyên từ tháng 10/2020, đến nay, dự án BEST đã có mặt tại địa bàn các huyện: Đại Từ, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ. Hàng chục hội nghị đã được tổ chức để giới thiệu về dự án và công nghệ VCBG, giúp người dân hiểu về nội dung và cách thức triển khai hoạt động, sự ưu việt của công nghệ VCBG và tiềm năng ứng dụng công nghệ trong ngành chè.
Anh Trần Đình Quý, HTX Chè Trần Nam, xã Tân Linh, huyện Đại Từ cho biết: "Từ khi tiếp cận được với bếp sinh khối, tôi thấy hiệu quả hơn nhiều so với bếp gas và bếp củi, tận dụng nhiên liệu từ lâm nghiệp, tiết kiệm nhân lực và thời gian".
Bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên thông tin: "Đối với dự án, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết đến công nghệ, ưu điểm của công nghệ khí hóa sinh khối trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm trà. Chúng tôi mong muốn dự án sẽ chuyển giao, đào tạo, hỗ trợ thêm, mở rộng đối tượng sử dụng để người dân tỉnh Thái Nguyên được sử dụng nhiều hơn".
Có thể thấy, công nghệ khí hóa sinh khối là giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn ở Thái Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung. Những kinh nghiệm triển khai ở Thái Nguyên sẽ trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác học tập và thực hiện./.