Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trà Đại Từ
Đại Từ có trên 6 nghìn ha trồng chè, trong đó, diện tích chè giống mới là trên 5 nghìn ha |
Đại Từ là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất tỉnh. Hiện toàn huyện có trên 6 nghìn ha trồng chè. Trong đó, diện tích chè giống mới là trên 5 nghìn ha, chiếm sấp xỉ 80% diện tích. Những năm gần đây, người dân Đại Từ đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất, chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trà. Trong đó, tập trung đưa các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh, đồng thời áp dụng biện pháp thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ.
Bà Đào Thị Thoi, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuất Thoi, xã Phú Xuyên, Đại Từ cho biết: “Đầu ra của chúng tôi tương đối ổn định, nhưng mong muốn hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài, đây mới là điều quan trọng nhất. Trong nước, chúng tôi cung cấp cho tất cả các tỉnh, tỉnh nào cũng có sản phẩm trà Tuất Thoi của chúng tôi”.
Cùng với nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, người nông dân còn chú trọng xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của mình. Đến nay, huyện có 13 doanh nghiệp và 6 HTX đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trà; 4 doanh nghiệp và 11 HTX có logo, bao bì nhãn mác gồm bộ hộp, túi đựng sản phẩm được thiết kế riêng cho đơn vị; 1 doanh nghiệp và 5 HTX xây dựng được website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Cùng với nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, người nông dân đã chú trọng xây dựng thương hiệu, hình ảnh cho các sản phẩm của mình. |
Chị Đào Thị Thức, HTX chè Nhật Thức, xã Phục Linh, Đại Từ chia sẻ: “Sản phẩm trà truyền thống hiện nay đang có xu hướng lượng khách hàng giảm đi vì tầm tuổi sử dụng cũng giảm đi, nên với suy nghĩ như thế mình đã đa dạng hóa nhiều sản phẩm về trà và trong những năm tới sẽ tiếp tục có những sản phẩm mới nữa để phong phú sản phẩm và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng hơn”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ thông tin: “Đối với việc phát triển HTX thực hiện đầy đủ các quy định về cơ chế chính sách, riêng đối với cây chè thì vẫn tiếp tục thực hiện theo quy hoạch phát triển chè của huyện giai đoạn 2010-2020 và định hướng đến năm 2030 và đây cũng là một trong những sản phẩm chủ lực, các hình thức hỗ trợ từ hỗ trợ về giống, phân bón và đặc biệt là máy móc thiết bị”.
Có thể khẳng định, việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là giải pháp giúp sản phẩm trà của Đại Từ chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Hiện, huyện Đại Từ đã có 19 sản phẩm trà được xếp hạng OCOP, trong đó 14 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao; 100% là sản phẩm của các mô hình kinh tế tập thể, chủ yếu là các HTX./.