Chiến thắng Điện Biên Phủ - Nghệ thuật chỉ đạo độc đáo, sáng tạo
Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN) |
Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13/3 đến ngày 7/5/1954) là một trong những chiến công vang dội nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ nét tài thao lược kiệt xuất của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời khắc xoay bản lề lịch sử.
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020), Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết “Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - Nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh độc đáo, sáng tạo của Đảng” của Đại tá Vũ Trọng Hoan, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Tổ chức quân sự (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam).
“Xé nát” khối chủ lực cơ động của địch, tạo thời cơ mới
Đến giữa năm 1953, sau gần 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Đông Dương, dù đã huy động nhiều tiềm lực kinh tế, quân sự nhưng thực dân Pháp vẫn không thực hiện được mục đích đề ra mà ngược lại, phải chịu những thất bại nặng nề.
Tháng 7/1953, tướng Nava - người mới được bổ nhiệm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đề ra kế hoạch quân sự mới (còn gọi Kế hoạch Nava), gồm hai bước:
Bước một (Thu Đông năm 1953 và Xuân năm 1954): giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tránh giao chiến với lực lượng chủ lực đối phương; tiến công chiến lược ở chiến trường phía Nam, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến của Việt Minh; tăng cường càn quét, bắt lính để mở rộng quân đội ngụy tay sai, tập trung xây dựng khối chủ lực tác chiến cơ động.
Bước 2 (từ Thu Đông năm 1954): dồn toàn lực ra chiến trường miền Bắc, thực hiện các đòn tiến công chiến lược quy mô lớn, giành thắng lợi quyết định, tiêu diệt chủ lực đối phương, buộc chính phủ kháng chiến phải đầu hàng, hoặc chấp nhận kết thúc chiến tranh theo những điều kiện có lợi cho phía Pháp.
Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, được đế quốc Mỹ ra sức giúp đỡ, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân đánh phá, càn quét bình định, ra sức bắt lính; đồng thời rút bớt nhiều đơn vị tinh nhuệ từ các chiến trường khác để tăng cường vào Đông Dương.
Chỉ sau một thời gian ngắn, địch đã xây dựng được khối chủ lực mạnh, bao gồm 84 tiểu đoàn cơ động, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ.
Tự tin vào khối quân chủ lực hùng mạnh của mình, tướng Nava đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng “nghiền nát các đơn vị chủ lực đối phương ở bất cứ nơi nào”, từ đó nêu cao khẩu hiệu “luôn luôn chủ động”, “luôn luôn tiến công.”
Về phía ta, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn, đánh giá âm mưu mới của Pháp-Mỹ về tăng cường lực lượng mở rộng chiến tranh xâm lược Đông Dương.
Hội nghị nhận định nội dung cốt lõi của Kế hoạch Nava là tập trung xây dựng khối chủ lực mạnh vừa để đối phó với các cuộc tiến công của ta và xa hơn là mở những cuộc tiến công quy mô lớn nhằm tiêu diệt quân chủ lực ta. Yêu cầu bức thiết đặt ra lúc này là giữ vững quyền chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng, phá vỡ kế hoạch tập trung của chúng.
Từ nhận định đó, Bộ Chính trị đề ra chủ trương: “Sử dụng một bộ phận chủ lực (để) mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường địch hậu và tích cực chuẩn bị mọi sự cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích ở các vùng tự do, sẵn sàng đối phó với địch để cho bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ” (trích biên bản Hội nghị).
Do lúc này ta chưa biết chi tiết kế hoạch và hành động cụ thể của địch, nên Bộ Chính trị đề ra phương châm chung cần quán triệt trong toàn bộ hoạt động tiến công của ta là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt; đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, đánh tiêu diệt.
Chấp hành chủ trương chiến lược đã đề ra, trong Đông Xuân năm 1953-1954, quân và dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia mở liên tiếp 5 đòn tiến công chiến lược trên 5 hướng khác nhau khắp chiến trường Đông Dương, buộc địch phải điều lực lượng đối phó.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Các đòn tiến công gồm đòn tiến công lên Tây Bắc, buộc địch phải đưa lực lượng lên xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đòn tiến công sang Trung Lào, buộc địch đưa lực lượng sang xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Sê Nô (tỉnh Savannakhet, Lào). Đòn tiến công sang Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, ta giải phóng một vùng rộng lớn nối thông Trung-Hạ Lào với Đông Bắc Campuchia.
Tuy địch không điều quân xây dựng tập đoàn cứ điểm, nhưng bị hao tổn nhiều về lực lượng. Đòn tiến công Tây Nguyên, buộc địch đưa lực lượng xây dựng tập đoàn cứ điểm An Khê và Pleiku. Đòn tiến công sang Thượng Lào, buộc địch đưa lực lượng xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Luang Prabang và Mường Sài.
Như vậy, đến tháng 2/1954, toàn bộ khối chủ lực cơ động của quân Pháp bao gồm 84 tiểu đoàn, từ chỗ tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Bộ, chỉ sau một thời gian ngắn, chính thức bị “xé nát thành 5 mảnh,” đứng chôn chân trên 5 khu vực mà hầu như không thể hỗ trợ được cho nhau, đó là đồng bằng Bắc Bộ, Tây Bắc, Trung Lào, Tây Nguyên, Thượng Lào.
Sức mạnh tập trung không còn, kế hoạch quân sự Nava cơ bản bị phá sản. Sau này, các nhà quân sự phương Tây bình luận: Khi tướng Nava còn chưa kịp “ra đòn” thì Bộ chỉ huy kháng chiến của Việt Minh, với tài dụng binh xuất sắc của tướng Giáp đã khéo điều các đơn vị tinh nhuệ của Pháp đến những nơi họ muốn. Kế hoạch Nava thất bại ngay từ buổi bình minh!
Về phía ta, lần đầu tiên trong chiến tranh, ta mở các đòn tiến công chiến lược trên quy mô rất rộng lớn gần hết bán đảo Đông Dương, diễn ra vừa đồng thời, vừa kế tiếp, vừa xen kẽ và kết hợp chặt chẽ với nhau.
Việc tổ chức thắng lợi cuộc tiến công chiến lược đó đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Đảng, tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp kháng chiến, trở thành tiền đề đi đến một chiến dịch quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954.
Dồn sức đánh thắng trận quyết chiến chiến lược
Tháng 2/1954, giữa lúc chiến sự ở Đông Dương đang diễn ra sôi động, đại diện Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô họp ở Berlin (Đức), thỏa thuận sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sỹ) để giải quyết vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cùng các nước hữu quan.
Thỏa thuận này đã tác động mạnh đến tâm lý và quyết tâm của các bên tham chiến tại chiến trường, thúc đẩy cả ta và Pháp đều muốn nhanh chóng giành một thắng lợi quân sự quyết định, tạo thế mạnh trên bàn hội nghị.
Cuối cùng, địa danh Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử” cho cả hai bên, nhưng với những dự tính và cách thức tổ chức thực hiện rất khác nhau.
Về phía thực dân Pháp, từ cuối tháng 11/1953, phát hiện các đơn vị chủ lực (của ta) tại Tây Bắc, tướng Nava cho 6 tiểu đoàn Âu-Phi tinh nhuệ nhảy dù xuống Điện Biên Phủ - một thung lũng phì nhiêu (dài 18km, rộng 6-8km) của tỉnh Lai Châu với mục tiêu ban đầu nhằm giữ vùng Tây Bắc, Thượng Lào.
Sau khi nắm bắt lại tình hình, Nava nhận định rằng Điện Biên Phủ là nơi rất phù hợp xây dựng căn cứ quân sự mạnh, dễ phòng thủ; khả năng bảo đảm hậu cần tiếp tế đường không thuận lợi do không gian thung lũng quanh căn cứ tương đối rộng, địa hình dễ xây dựng sân bay.
Mặt khác, lực lượng kháng chiến (Việt Minh) nếu mở trận đánh lớn tại Điện Biên Phủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn do xa hậu phương, tiếp tế khó khăn, khả năng sử dụng lực lượng có hạn, không thể dùng được pháo cơ giới.
Từ nhận định đó, ngày 3/12/1953, tướng Nava và bộ chỉ huy quân sự Pháp quyết định điều động tăng cường thêm 6 tiểu đoàn lên Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút và đánh bại chủ lực đối phương.
Đến đầu tháng 3/1954, quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm những đơn vị bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu.
Cả Pháp và Mỹ đều đánh giá Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá,” công khai thách thức đối phương tiến công.
Về phía ta, sau khi thực hiện thành công “xé nát” khối chủ lực cơ động của địch, Bộ Chính trị tập trung chỉ đạo dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ.
Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ có từ rất sớm (12/1953), tức là ngay khi quân Pháp mới cho quân nhảy dù xây dựng tập đoàn cứ điểm.
Tuy nhiên, tình hình chiến trường có sự chuyển biến hết sức mau lẹ, đặc biệt là sự tăng cường phòng thủ của quân Pháp tại Điện Biên Phủ lớn mạnh từng ngày, trong khi quá trình chuẩn bị hậu cần, lực lượng của ta gặp rất nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Đảng ủy Mặt trận kiểm tra lại tình hình, bảo đảm chắc thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được.”
Sau khi kiểm tra, cân nhắc lại tình hình mọi mặt, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch (do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy) đã đề xuất xin ý kiến Bộ Chính trị chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” (thông qua từ trước đó) sang phương án “đánh chắc, tiến chắc” để bảo đảm thắng lợi. Đề xuất này được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý thông qua.
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy tối cao đề ra, quân dân ta kiên trì, anh dũng vượt qua mọi khó khăn tiếp tục chuẩn bị về mọi mặt.
Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 quân, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351.
Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng ngàn km đường được xây dựng, sửa chữa.
Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.
Về chiến thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch đề ra phương pháp tổ chức đánh từng bước, tập trung binh lực nhằm tạo ra ưu thế lớn để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng của địch.
Để giảm sức mạnh hỏa lực của địch, phát huy sức mạnh hỏa lực của ta, ta tổ chức xây dựng hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội triển khai vận động ngay dưới bom đạn địch; đưa pháo binh vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ tích cực đối phó có hiệu quả với không quân địch. Bằng những phương pháp đó, ta sẽ ngăn chặn dần và đi đến triệt nguồn tiếp viện của địch tại Điện Biên Phủ.
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 quân địch, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự, bắn rơi nhiều máy bay; xóa sổ hoàn toàn tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương của quân đội Pháp. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN) |
Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, ngày 7/5/1954, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng chỉ huy De Castries.
Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, là chiến công oanh liệt đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi này đã tác động mạnh mẽ đến bàn hội nghị Hội nghị Geneva (khai mạc ngày 26/4/1954), buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (ngày 21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; mở ra bước ngoặt mới cho sự nghiệp cách mạng dân tộc.
Như vậy, từ việc “chọn nơi địch sơ hở mà đánh” (tháng 9/1953) nhằm phân tán, suy yếu lực lượng địch, đến quyết định nhằm vào căn cứ mạnh nhất của địch ở Đông Dương (Điện Biên Phủ) để đánh trận quyết chiến chiến lược là sự chỉ đạo rất kiên quyết, linh hoạt, kịp thời, sáng tạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều đó là minh chứng rõ ràng nhất để góp phần khẳng định trí tuệ Việt Nam đã thực sự vượt ra ngoài mọi toan tính của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ./.