"Chỉ số Xanh cấp tỉnh" thúc đẩy phát triển bền vững
Mỏ Núi Pháo là một mỏ đa kim tại 3 xã Hùng Sơn, Hà Thượng và Tân Linh của huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tái chế phế liệu để hoạt động sản xuất Vonfram là hướng đi mới sẽ được Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials đẩy mạnh trong thời gian tới. Theo hướng này, Mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào từ hoạt động thu hồi và tái chế. Mặt khác, Masan High-Tech Materials cũng sẽ thu mua phế liệu để cung cấp đầu vào cho nhà máy tái chế Vonfram.

Ông Phan Chiến Thắng, Giám đốc Cộng đồng và Quan hệ đối ngoại, Công ty Masan High-Tech Materials cho biết: "Chúng tôi quyết định đưa công nghệ tái chế Vonfram về Việt Nam và xây dựng nhà máy ngay tại tỉnh Thái Nguyên, mục đích để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm tái chế Vonfram hàng đầu của khu vực và không chỉ vậy chúng tôi thúc đẩy đưa nguồn nguyên liệu Vonfram​​​​​​​ vào công nghệ tiêu dùng tức là chúng tôi sẽ xây dựng và sản xuất ra một loại pin Vonfram​​​​​​​ có tác dụng sạc rất nhanh".

"Chỉ số Xanh cấp tỉnh" thúc đẩy phát triển bền vững
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chi nhánh tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai.

Dự án nhà máy theo tiêu chuẩn Lotus của Công ty TNHH thương mại và đầu tư TNG hoạt động tại Võ Nhai là nhà máy xanh đầu tiên của đơn vị. Từ việc lựa chọn các nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ cho chuyền may, đến các khâu quản lý vận hành nhà máy đều được áp dụng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp mà còn tạo môi trường làm việc hiệu quả cho người lao động.

Dương Thị Hằng, Tổ may 1, Chi nhánh TNG Võ Nhai, Thái Nguyên vui mừng chia sẻ về môi trường làm việc của nhà máy: "Làm việc trong môi trường xanh, chúng tôi cảm thấy đảm bảo về sức khỏe, có năng lượng tích cực trong công việc, yêu nghề và gắn bó với nhà máy".

Ông Hoàng Đình Hảo, Giám đốc Chi nhánh TNG Võ Nhai, Thái Nguyên: "Việc vận hành nhà máy xanh bao gồm nhiều yếu tố, trong đó việc quản lý về năng lượng, điện, hệ thống nước thải đều được nhà máy chú trọng. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng các phần mềm để quản lý, đưa ra các báo cáo rủi ro giúp cho người quản lý nắm bắt và điều tiết sao cho phù hợp".

"Chỉ số Xanh cấp tỉnh" thúc đẩy phát triển bền vững
Quy hoạch tỉnh TN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc TW, việc áp dụng những tiêu chí của chỉ số xanh sẽ là tiền đề để Thái Nguyên thúc đẩy môi trường sản xuất thân thiện, đảm bảo phát triển bền vững.

Tương tự cách tiếp cận của PCI, chỉ số xanh (PGI) tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Kết quả khảo sát chỉ số xanh đối với Thái Nguyên có tổng điểm 16,05 điểm, trong đó 02 chỉ số thành phần khảo sát là đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu và vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường được đánh giá khá cao. Cũng theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận chất lượng môi trường tổng thể tại tỉnh là tốt chiếm 59%. Từ kết quả đó, việc xây dựng mô hình phát triển bền vững trên cơ sở tạo ra cơ chế hợp tác giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp là những gợi mở đối với Thái Nguyên.

Trao đổi với PV Tiến sỹ Edmud Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ khẳng định: "Thái Nguyên có thể nói là điển hình phát triển khá tốt khi có những dự án lớn đến với tỉnh, để phát triển hơn nữa, tỉnh cần tích hợp các chính sách của Trung ương vào kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, quan tâm đến ứng xử với môi trường của doanh nghiệp,gia tăng mức độ khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của địa phương".

Từ những kết quả bước đầu triển khai, sẽ tạo tiền đề để Thái Nguyên phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường./.