Cần có giải pháp quản trị nguồn nhân lực phục vụ ngành may mặc
Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may của tỉnh Thái Nguyên đã có đơn sản xuất hàng đến hết quý I năm 2018 và gối đầu cho quý II, nhưng cũng không ít đơn vị đang gặp khó khăn vì thiếu nguồn lao động. Hợp tác xã công nghiệp May Tân Bình Minh, Thị xã Phổ Yên là một ví dụ. Mặc dù có cơ hội ký xác nhận đơn hàng sản xuất đến hết quý II, thậm trí đến quý III, tuy nhiên, đơn vị mới chỉ xác nhận các đơn hàng hết quý I năm 2018. Lý do là thiếu nguồn lao động. Đại diện Hợp tác xã cho biết, đơn vị hiện có 6 giây truyền sản xuất, nhưng mới chỉ có 4 giây truyền đang hoạt động vì chưa tuyển được đủ số số lao động cần thiết.
Với thị trường xuất khẩu ổn định, năm 2018, Công ty Cổ phần may Thời trang DG Việt Nam tiếp tục đầu tư thêm 2 dây truyền may nhằm đáp ứng nhu cầu các đơn hàng. Công ty đang có kế hoạch tuyển dụng gần 100 lao động mới. Tuy nhiên, dù sớm tuyển dụng đủ số lao động trên, thì cũng phải mất khoảng thời gian là 6 tháng đào tạo công ty mới có được nguồn lao động cần thiết. Như vậy đồng nghĩa với việc nhiều đơn hàng sẽ phải bỏ lỡ.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc của tỉnh đạt gần 270 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ. Thực tế hiện nay nhiều đơn vị hoạt động thuộc lĩnh vực may mặc của tỉnh đều có xu hướng mở rộng sản xuất. Chính vì vậy, hàng năm các đơn vị đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động để bổ xung cho dây truyền sản xuất mới.
Với sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thu hút lượng lớn nguồn lao động trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trong khu vực. Có thể thấy, khi thị trường lao động cầu nhiều hơn cung, thì người lao động sẽ có nhiều sự lựa chọn ngành nghề cho mình. Mặt khác, tình trạng dịch chuyển lao động trong ngành may mặc cũng gây nên thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp. Để thực hiện chiến lược tăng tốc ngành dệt may, cần có sự chuyển động song hành trong công tác quản trị, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tăng tốc này./.