Cải lương cần chính sách đồng bộ để tồn tại và phát triển
Nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương (1918-2018), sáng nay (7/12), Hội Sân khấu TPHCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương”. Tại đây, nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ cải lương cho rằng, bộ môn nghệ thuật truyền thống này cần có nhiều chính sách thiết thực, đồng bộ hơn để tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Cải lương là một loại hình nghệ thuật sân khấu hình thành và phát triển trên vùng đất Nam Bộ. Trong quyển “Hồi ký 50 năm mê hát”, học giả Vương Hồng Sển cho rằng, cải lương chính thức đến với công chúng Nam Bộ vào ngày 16/11/1918 khi vở “Gia Long tẩu quốc” được trình diễn tại Nhà hát Tây Sài Gòn. Từ đó đến nay, cải lương đã trải qua 100 năm lịch sử và trở thành một loại hình nghệ thuật sân khấu gắn bó mật thiết vời đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.
Ảnh minh họa: Vở cải lương Hừng Đông. |
Giai đoạn 1955-1975 được giới sân khấu coi là thời kỳ hoàng kim của cải lương với sự xuất hiện của rất nhiều tác giả giỏi, kịch bản tốt, những gánh hát nổi tiếng với đông đảo nghệ sĩ tài năng. Đây cũng là giai đoạn mà sân khấu cải lương thu hút được rất nhiều soạn giả, nghệ sĩ trẻ đam mê cống hiến và thành danh. Tuy nhiên, sau thập niện 50, 60, nghệ thuật cải lương rơi vào giai đoạn khó khăn khi có thời kỳ 100 người đầu tư cho các gánh hát thì đến 98, 99 người trắng tay. Sự xuất hiện của đa dạng loại hình văn hóa trong giai đoạn thoái trào khiến cải lương mất dần chỗ đứng trong đời sống tinh thần của đông đảo người dân.
Tại tọa đàm, nhiều đại biểu thẳng thắn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay mặc dù các bên đã rất cố gắng, nhưng sân khấu cải lương vẫn thiếu sức sống, đời sống của các nghệ sĩ theo bộ môn này còn rất khó khăn. Sân khấu không sáng đèn, nghệ sĩ phải hát tại những địa điểm không phù hợp với bộ môn này để có chi phí trang trải cuộc sống nếu muốn bám nghề. Giới trẻ mất dần sự quan tâm với cải lương khi ngày càng hiếm những kịch bản cải lương chất lượng trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, để khôi phục lại sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương, bên cạnh việc đổi mới loại hình, phong cách, nội dung biểu diễn, cần có những chính sách tầm vĩ mô mới có thể giải quyết những bất cập đang tồn tại hiện nay. Theo Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, giảng viên khoa Văn hóa học, Trường Đại học Trà Vinh, cần có những giải pháp đồng bộ tập trung kết nối lĩnh vực văn hóa với giáo dục để tạo nền móng vững chắc trong giới trẻ với bộ môn cải lương.
TS Mai Mỹ Duyên nói: “Giải pháp của những giải pháp chính là giải pháp quản lý. Chỉ khi nào các giải pháp này được giải quyết thì các chính sách về giáo dục, văn hóa, truyền thông mới đồng bộ được. Nếu như có một giải pháp đồng bộ như thế thì nhạc cải lương, nhạc tài tử phải đưa vào dạy từ tiểu học vì nền tảng của kịch hát là phải hiểu âm nhạc trước. Đây là điều rất đáng suy nghĩ.”./.