Đổi mới, sáng tạo để cải lương gần hơn với thời đại và công chúng
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, là tác giả có nhiều kịch bản cải lương thành công. Những vở diễn: “Chuyện tình Khâu Vai”, “Mai Hắc Đế”, “Hừng Đông”,... đã để lại nhiều xúc cảm, dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả. Và vở cải lương “Thầy Ba Đợi” do ông viết kịch bản, được công diễn tới đây cũng là để tri ân “100 năm sân khấu cải lương Việt Nam”. Nhân dịp này, phóng viên Báo TNVN có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. |
PV: Thưa ông, nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam, ông có thể chia sẻ với khán giả về những bước thăng trầm của bộ môn nghệ thuật này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương ở Việt Nam. Đây là một việc làm rất ý nghĩa. Cải lương có nguồn gốc từ lễ nhạc, nhã nhạc cung đình Huế. Người có công kết hợp chất liệu ấy với rất nhiều chất liệu âm nhạc, diễn xướng dân gian khác để tạo thành nghệ thuật cải lương là ông Nguyễn Quang Đại (tên gọi dân gian là thầy Ba Đợi), người quê gốc Quảng Trị, làm nhạc quan dưới triều Nguyễn.
Khi vua Hàm Nghi bị bắt và bị lưu đầy đi Algeria thì nhạc quan Nguyễn Quang Đại từ bỏ quan trường, mang bầu máu nóng theo phong trào Cần vương trôi dạt vào Phương Nam, mang theo tấm lòng ái quốc, vận động người dân khơi dậy tự hào dân tộc, bảo vệ văn hóa của cha ông và đặc biệt là khơi dậy truyền thống yêu nước, căm thù giặc.
Nghệ sĩ Quang Khải (Nhà hát cải lương Việt Nam) vào vai thầy Ba Đợi |
Bằng chất liệu ban đầu của lễ nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca miền Trung, hát bội, dân ca Nam bộ, đờn ca tài tử… và còn tiếp thu cả nghệ thuật sân khấu kịch hiện đại của người Pháp mà thầy Ba Đợi đã tạo nên cải lương. Sự kết hợp này là một bước đi quan trọng để hình thành một loại hình diễn xướng sân khấu dân gian mới, mà không gian diễn xướng của nó không chỉ ở Sài Gòn - Gia Định, Long An và những đô thị lớn Nam bộ, mà còn mang cả sang Pháp để biểu diễn.
Trở lại những tài liệu viết về thời kỳ đầu của nghệ thuật cải lương ở Nam bộ, cho đến nay lịch sử cải lương đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Trước đây, cải lương có nhiều vở diễn thu hút công chúng cả trong Nam đến ngoài Bắc. Khi đó, cải lương phát triển mạnh mẽ, rất nhiều tỉnh thành có đoàn cải lương. Những năm gần đây, khi cải lương chuẩn bị lên tuổi “thượng thượng thọ” thì cải lương thực sự gặp nhiều khó khăn. Tại chính nơi cải lương được sinh ra và phát triển thì hiện nay đang gặp vấn đề: “Cải lương nên tồn tại hay không tồn tại?”.
Cách đây hơn 1 năm, những nghệ sĩ hai miền Nam - Bắc đã họp nhau lại và đi đến quyết định phải làm điều gì đó để kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam. Đây là một ý tưởng hay, nghiêm túc và có trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống nước nhà.
PV: Theo ông, những người làm cải lương nên làm gì để có thể bảo tồn và phát triển cải lương trong điều kiện mới?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Hiện nay, tất cả các loại hình nghệ thuật sân khấu, từ kịch nói, chèo, tuồng… và cải lương đều cần phải đổi mới. Cách diễn trước đây dường như không còn phù hợp nữa. Nghệ thuật sân khấu hiện nay yêu cầu cao hơn ở tất cả mọi lĩnh vực. Trước hết phải có kịch bản hay. Khi có được kịch bản hay lại phải cần đạo diễn tài năng.
Tôi luôn quan niệm đạo diễn như những người phù thủy có thể nhào nặn những tác phẩm, biến những tác phẩm trên giấy thành một tác phẩm thực sự. Đạo diễn dựa trên kịch bản mà thoải mái sáng tạo, chắp cánh cho tác phẩm ấy. Rồi đến diễn viên, họ cũng là những người sáng tạo nên tác phẩm ở những góc độ thể hiện riêng. Qua sự thể hiện của mỗi diễn viên, hình tượng nhân vật có những diện mạo mới, giá trị mới. Rồi thì trang trí sân khấu, ánh sáng, âm thanh…
Kịch bản "Thầy Ba Đợi" xuất phát từ ý tưởng kỷ niệm 100 năm cải lương. |
Trong xu thế hiện nay, nghệ thuật sân khấu hiện đại sử dụng rất nhiều sân khấu ước lệ, màn hình led cũng như màn chiếu các hình ảnh phim minh họa cho bối cảnh của nhân vật, sự kiện trong vở diễn. Âm nhạc, phục trang… cũng phải có những sáng tạo hợp lý… Tôi có thể ví như vở “Hừng Đông”, nhiều yếu tố kịch nói đã được đưa vào sân khấu cải lương, cả dân ca 3 miền, quan họ, ca Huế, dân ca Nghệ Tĩnh, dân ca Nam bộ, rồi cả một ban nhạc đường phố cũng được đạo diễn khéo léo xử lý, đưa vào vở diễn mà không hề gây phản cảm, lại tạo được nét mới cho vở diễn.
Bên cạnh đó, các yếu tố trang trí sân khấu ánh sáng 3D, màn hình led… đã làm cho sân khấu cải lương mới mẻ hơn mà không trượt ra khỏi khuôn khổ của cải lương truyền thống, làm cho cải lương gần gũi hơn với đời sống đương đại, với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của người dân hiện nay.
Bên cạnh những yêu cầu đổi mới, nghệ thuật truyền thống muốn tồn tại và phát triển cần phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ. Tôi lấy ví dụ ở Nhà hát cải lương Việt Nam hiện nay, mỗi vở diễn được đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Với khoản đầu tư như vậy thì chưa thấm vào đâu. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, vẫn biết rằng, anh em nghệ sĩ khi dựng vở không nên chỉ chờ vào sự đầu tư của Nhà nước mà phải tự chủ động kinh phí, xin tiền tài trợ… nhưng rất khó khăn do sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật mới. Bởi vậy, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách đầu tư hợp lý cho nghệ thuật truyền thống.
PV: Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi viết kịch bản “Thầy Ba Đợi”?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Khi ý tưởng kỷ niệm 100 năm cải lương được hình thành, nhiều anh em cải lương có đề nghị tôi viết một kịch bản văn học để làm sao có thể dựng lại bức tranh 100 năm cải lương. Đây là một việc rất lớn và nhiều khó khăn. Có thể nói, khó khăn nhất là việc dựng lại chân dung của một nhân vật lịch sử, ông tổ của nghệ thuật cải lương nhưng những tư liệu lịch sử về “Thầy Ba Đợi” không nhiều, ngoài vài thông tin ngắn gọn trong lịch sử về giai đoạn ông làm nhạc quan của triều đình nhà Nguyễn, sau đó trôi dạt vào phương Nam… Dù đã nghiên cứu qua rất nhiều sách nhưng việc dựng lại nhân vật với những góc cạnh của đời sống, tình cảm, và đặc biệt là đời sống nghệ thuật của ông thực sự là thử thách, bởi vậy kịch bản có sử dụng nhiều yếu tố hư cấu trong điều kiện cho phép.
Vở “Thầy Ba Đợi” có 3 thông điệp lớn: Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương; phản ánh một giai đoạn lịch sử của đất nước với những thăng trầm; số phận của những con người kiên trung một lòng vì nước và cả của những kẻ làm tay sai cho giặc đàn áp nhân dân.
Đến hôm nay, tôi vẫn đang rất hồi hộp chờ xem kết quả cuối cùng khi kịch bản qua tay đạo diễn, diễn viên và sự đóng góp của những nghệ sĩ. Nhưng tôi tin, với sự góp sức của tất cả mọi người, tác phẩm sẽ dựng lên được một nhân vật như mình mong muốn. Còn tác phẩm có thành công hay không phải đợi sự đánh giá của khán giả sau khi công diễn.
Ông Nguyễn Quang Đại (tên gọi dân gian là thầy Ba Đợi) là người có công sáng tạo ra nghệ thuật cải lương. |
PV: Thời gian gần đây, trong khi sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn, ông lại có nhiều kịch bản được dàn dựng thành công. Ông có thể chia sẻ về những thành công này?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Tôi viết kịch bản đầu tiên là vở “Chuyện tình Khâu Vai”, từ chất liệu của một phiên chợ tình ở vùng cao, và không ngờ vở diễn đã thành công. Phiên chợ tình ở Khâu Vai, Mèo Vạc, Hà Giang khi lên sân khấu đã trở thành một vở diễn đầy đặn, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc vùng Cao nguyên đá.
Sau “Chuyện tình Khâu Vai”, “thừa thắng xông lên”, tôi viết vở thứ hai “Mai Hắc Đế”. Đây là một vở về lịch sử và nhân vật lịch sử, kịch bản cần phải tôn trọng những chi tiết về nhân vật lịch sử, những chi tiết đã “đóng đinh” vào lịch sử và văn hóa dân tộc. Đồng thời lại phải có những sáng tạo để những nét văn hóa lịch sử đã có hàng ngàn năm trở nên sống động, với những con người, nhân vật bằng da bằng thịt, với bối cảnh câu chuyện được sống dậy với cả những cuộc chiến tranh, là máu lửa dân tộc, là tình yêu…
Vở thứ ba là “Hừng Đông”, đây là một vở diễn với nhiều phát hiện mang tính dũng cảm và tương đối liều lĩnh. Trong vở diễn, tôi đã đưa vào kịch bản những chi tiết từ những nguồn tư liệu lịch sử mà rất ít người biết. Vở diễn cũng được đánh giá cao. Gia đình đồng chí Phan Đăng Lưu đã rất xúc động và tới xem tất cả các buổi diễn.
Những thành công ấy có được nhờ sự mới mẻ trong kịch bản, trong dàn dựng của đạo diễn và thể hiện của các diễn viên… Theo tôi, đây là sự thành công của tập thể những người biết đổi mới, sáng tạo để làm cho cải lương gần hơn với thời đại, với nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của công chúng trong xu thế văn hóa mới, xã hội mới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Vở cải lương “Thầy Ba Đợi”, tác giả kịch bản PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo, được Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp dàn dựng. Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu; âm nhạc, NSND Trọng Đài; thiết kế mỹ thuật: NSƯT Doãn Bằng; chủ nhiệm: NSƯT Nguyễn Xuân Vinh. |