NSƯT Thanh Sang qua đời sau thời gian hôn mê
Trước đó, vào ngày 4/4/2017, NSƯT Thanh Sang bị hôn mê sâu và được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, tiên liệu ông rất khó hồi tỉnh. Khi hay tin này, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và công chúng khán giả mộ điệu sân khấu cải lương rất xót xa.
NSƯT Thanh Sang |
Ông nằm trong bệnh viện hơn 2 tuần, đến ngày 20/4, vợ ông xin phép bác sĩ đưa ông về và ông đã ra đi thanh thản tại nhà riêng bên gia đình.
NSƯT Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại thuộc xã Hòa Hiệp, Phước Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu. Quê nội ông ở Bình Định, quê ngoại Tuy Hòa, Phú Yên.
Ông cùng với Thanh Nga một thời được đánh giá là cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu. Ông được Nhà nước Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú .
Từ năm 8 tuổi, ông bắt đầu sống bằng nghề đi biển đánh cá, vừa nuôi gia đình vừa kiếm tiền học chữ trong làng vì cha ông từng tham gia Kháng chiến chống Pháp, hy sinh năm 1949 nên một mình mẹ ông vất vả nuôi 4 người con.
Do gia đình sống gần rạp Cải lương Hải Lạc, ông bị cuốn hút theo nghề hát. Ban đầu, ông thường nhại lại các giọng của Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn rất giống, được bà con tán tưởng.
Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, Ngọc Đán đến Hải Lạc biểu diễn. Khi diễn vở "Chiều đông gió lạnh về", ông thường được đưa vào thay thế khi kép bị ốm, bầu Hoàng Kinh mới đặt cho ông nghệ danh Thanh Sang.
Năm 1962, ông được bầu Hoàng Kinh cho thế Hùng Cường, vai Đông Nhật trong vở "Tuyết phủ chiều đông". Ông diễn thành công và từ đó thành kép chánh trong đoàn Cải lương Ngọc Kiều.
Năm 1964, ông chuyển về hát cho đoàn "Hoa mùa xuân", sau đổi thành "Dạ lý hương". Cũng trong năm này ông nhận huy chương vàng giải cải lương Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở "Cô gái Đồ Long". Vai diễn Tạ Tốn trong vở này bị mù, rất khó diễn, song ông lại diễn rất hay, đến mức nhiều người nhắc đến ông bằng bốn chữ Kim Mao Sư Vương - danh hiệu của Tạ Tốn. Vai diễn đã đưa ông từ một anh chàng chài lưới, chưa qua trường lớp, trở thành một ngôi sao trong làng sân khấu.
Nghệ sĩ Thanh Sang trong vai Tạ Tốn vở "Cô gái Đồ Long" |
Từ đó đến năm 1975, ông còn thành công với nhiều vai khác cũng gây tiếng vang lớn.
Năm 1985, ông thôi hát ở các đoàn văn nghệ, chỉ thu băng đĩa và hát phục vụ khi có yêu cầu. Ba năm sau ông mới cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Paris biểu diễn.
Năm 2001, ông bị bệnh nặng, phải rời xa sân khấu một thời gian dài.
Ngày 4/3/2007, nhà hát TPHCM tổ chức đêm "50 năm một tình yêu nghệ thuật", do NSND Bạch Tuyết làm đạo diễn, để kỷ niệm 50 năm nghiệp hát của ông.
NSƯT Thanh Sang và vợ trong chương trình "Làn điệu phương nam" vinh danh ông tại Nhà hát Thành phố |
Hoài bão cuối đời của ông chính là được lưu diễn khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, vì lý do sức khỏe nên những kế hoạch cuối đời của ông rất khó thực hiện.
“Đời tôi lắm lúc thăng trầm nhưng niềm đam mê nghề hát vẫn cháy bỏng trong tôi; không phụ tình cảm của công chúng dành cho sân khấu cải lương. Thời đói khổ nhất là năm 1972, khi cải lương rơi vào ế ẩm, các rạp hát bị phim ảnh chiếm dụng, chỉ còn mỗi rạp Quốc Thanh sáng đèn. Tôi đã đi lái taxi để nuôi con. Lúc nào cũng đội nón đeo kính đen để khán giả không nhận ra mình. Hễ gặp khán giả quen thì lắc đầu không dám nhận chở vì họ lên xe là khen chê cải lương, nghe xót đắng. Có đói nghèo cũng giữ cái nghề nên tôi không bao giờ làm tổn thương nghề nghiệp của mình. Đó là cách tôi ứng xử sòng phẳng với cuộc đời, vì đời cho tôi làm kép hát thì dù sống chết thế nào cũng vẫn giữ cho vẹn tình” - NSƯT Thanh Sang từng tâm sự.
NSƯT Thanh Sang được mệnh danh “anh kép mang đôi hia bảy dặm” của sân khấu cải lương, ông đã đoạt HCV Giải Thanh Tâm với vai diễn Tạ Tốn trong vở cải lương “Cô gái Đồ Long” của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng năm 1964 lúc vừa tròn 22 tuổi.
Với chất giọng trầm ấm, phong cách diễn xuất giàu nội lực, ông đã khẳng định vị thế của mình trên sân khấu cải lương, nam nghệ sĩ chuyên trị vai già lúc còn trẻ và khi về già thì lại đóng toàn vai trẻ. Nhắc đến ông, khán giả nhớ những vai diễn nổi bật như: Tạ Tốn - Cô gái Đồ Long; Long Hồ - Tuyệt tình ca; Trần Minh - Bên cầu dệt lụa; Thi Sách - Tiếng trống Mê Linh; Lê Hoàn - Thái hậu Dương Vân Nga...
Và trong cuộc đời của mình, ông có đến 7 người vợ. Người vợ cuối cùng của ông tên thật là Ngọc Mỹ, thường được ông gọi là bà Liễu. Bà là con gái nhà giàu, mẹ bà vì mê cải lương, mê Thanh Sang nên gả con cho ông. Bà một tay chèo chống gia đình, nuôi con nhỏ, chăm mẹ già khi chồng đi hát xa. Sau này bà còn mở quán cơm, thức khuya dậy sớm lo nấu nướng, quản lý, vất vả vô cùng. Đến lúc Thanh Sang bệnh nặng, cũng một tay bà chăm sóc.