Hiện đại hóa thay đổi diện mạo nền hành chính
Xác định lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính là nhiệm vụ quan trọng trong cải cách hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Kế hoạch, chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, kế hoạch thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tập trung. Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được đầu tư, trang thiết bị, ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành và ứng dụng thực tế vào trong công việc. 100% các đơn vị đều có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet băng thông rộng, áp dụng các hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng vào công tác quản lý, điều hành và giải quyết công việc…
Chị Cảnh Thị Thơ, Công chức Tư pháp, Ủy ban nhân dân xã Nga My, huyện Phú Bình cho biết: “Trong công việc của em hàng ngày là cán bộ Tư pháp, hộ tịch thì phần mềm của Chính phủ điện tử và phần mềm một cửa là ngày nào cũng phải truy cập và thường xuyên cập nhật hàng ngày”.
Ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công về hiện đại hóa khẳng định: “Chúng tôi luôn duy trì kết quả đạt được. Đặc biệt là cung cách làm việc, thời gian, thái độ làm việc của cán bộ công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đối với công dân. Trong năm 2019, lĩnh vực cải cách hành chính chúng tôi xác định luôn đổi mới, sáng tạo trong các công việc được giao. Đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính ở cấp độ 3. cấp độ 4. Tức là phục vụ nhân dân theo con đường bưu điện. Các công việc đặc biệt như khai sinh, lĩnh vực cấp phép xây dựng thì chúng tôi đã thực hiện”.
Đến nay, đã có 205 đơn vị hành chính các cấp công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 213 cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước thực hiện công bố Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 hoặc ISO 9001:2015.
Công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây tiếp tục được cải thiện. Năm 2016 chỉ số Par Index của Thái Nguyên đạt 69,03 điểm, xếp vị trí thứ 54/63 tỉnh thành thì đến năm 2019 đạt 83,01 điểm xếp vị trí 14 toàn quốc. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI cũng có sự chuyển biến khi năm 2016 đạt 36,98 điểm thì đến năm 2019 đạt 43,2 điểm.
Bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia về chỉ số PAPI nhận xét: “Có một sự dịch chuyển tích cực. Qua quá trình thực hiện 10 năm như vậy cũng là điều đáng ghi nhận từ phía người dân ghi nhận đối với chính quyền. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng quan tâm đến chỉ số PAPI rất là sớm. Trong thời gian vừa qua cũng có rất nhiều trao đổi với lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, câu chuyện là làm thế nào giúp cho các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên đến cấp xã hiểu được nguyện vọng, tâm tư của người dân, cũng như phản ánh, phản hồi của người dân”.
Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thái Nguyên đã có sự tăng trưởng vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm vị trí trong nhóm các tỉnh có chỉ số tăng cao với mức 11.3%/năm. Thu ngân sách năm 2019 đạt trên 15.630 tỷ đồng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh luôn có thứ hạng cao. Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và có hiệu quả về cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
Trong thành công chung này có sự đóng góp quan trọng của hoạt động cải cách hành chính từ tỉnh đến các địa phương, đơn vị. Theo đánh giá của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, trong giai đoạn 2011-2020 Thái Nguyên đã có những cải thiện vượt bậc về Chỉ số cải cách hành chính và luôn đứng tốp đầu ở khu vực Miền núi phía Bắc. Qua đây cho thấy hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp đã có sự chuyển biến tích cực và khẳng định hướng đi đúng của tỉnh khi gắn công tác cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đánh giá: “10 năm qua của tỉnh Thái Nguyên, tôi rất ấn tượng với kết quả đã đạt được chúng ta. Trong công tác chỉ đạo, điều hành chúng tôi cũng đánh giá Thái Nguyên là một trong những địa phương được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, từ cấp ủy Đảng cho đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Rồi có sự tham gia vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn”.
Sau 10 năm, các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính tỉnh Thái Nguyên liên tục được cải thiện với sự vào cuộc toàn diện của cả hệ thống chính trị trên địa bàn |
Bên cạnh những mặt tích cực, hiệu quả, sau 10 năm triển khai Nghị quyết 30C của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch về cải cách hành chính của tỉnh cho thấy còn một số hạn chế, tồn tại cần phải được phân tích và có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới. Cụ thể gồm 8 nhóm vấn đề:
- Tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ được giao tại Chương trình tổng thể, các Đề án cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011-2020 thực hiện còn chậm, một số nội dung chưa đạt yêu cầu theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.
- Một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác cải cách hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác cải cách hành chính chưa cao. Công tác kiểm tra, tự kiểm tra, chưa đánh giá đúng thực trạng, việc chỉ đạo tổ chức xử lý các kiến nghị đối với các đơn vị, địa phương còn chậm.
- Một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp chưa chủ động đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý của mình, chất lượng xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa cao.
- Việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế các thủ tục hành chính chưa được kịp thời dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; việc cập nhật, rà soát, niêm yết, công khai thủ tục hành chính (đặc biệt là cấp xã) còn chậm. Vẫn còn tình trạng hồ sơ quá hạn.
- Việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả còn chưa đồng bộ. Một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhận thức chưa thực sự đầy đủ về chính sách tinh giản biên chế.
- Còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương có cơ cấu cán bộ, công chức không hợp lý; hằng năm có cán bộ, công chức bị kỷ luật.
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước còn nhiều hạn chế.
- Công tác triển khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích hiệu quả chưa cao, tỷ lệ hồ sơ thực hiện thấp.
- Việc đánh giá định kỳ trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO chưa thường xuyên
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Thái Nguyên nói về nhiệm vụ của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo: “Cải cách hành chính là công tác liên tục lâu dài và liên tục phải phấn đấu. Thế nên là nhiệm vụ thứ nhất là cải cách hành chính của chúng ta không bao giờ được tụt dốc. Thứ hai là phải xây dựng các giải pháp, biện pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế nội. Thứ ba là tập trung vào việc xây dựng đề án cải cách hành chính của tỉnh trong giai đoạn 2021 và định hướng 2030 thì cần phải bám sát yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và phải phù hợp với điều kiện yêu cầu thực tế của tỉnh như tôi nói trên. Và có một mục tiêu như trong báo cáo đã nêu nhưng tôi muốn nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu lần này của Thái Nguyên là trong tốp 10 những tỉnh, thành phố về cải cách hành chính”.
Cải cách hành chính chắc chắn vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm cần được các cấp, các ngành của tỉnh Thái Nguyên đặt ra trong giai đoạn tiếp theo. Nội dung cải cách hành chính nhà nước cần gắn với những trọng tâm, những yếu tố trụ cột của nền hành chính, đó là công vụ, công chức, thể chế, tổ chức bộ máy,vấn đề hiện đại hóa hành chính và tài chính công. Tuy nhiên, những vấn đề này cần có những cách tiếp cận mới trong thiết lập định hướng, tư duy cải cách. Cải cách hành chính giai đoạn mới cần lấy cải cách công vụ, công chức, thể chế là trung tâm, tổ chức bộ máy là then chốt, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là nền tảng, hiện đại hóa hành chính và cải cách tài chính công là động lực./.