Bố nhận tội thay con sẽ chịu trách nhiệm thế nào?
Liên quan vụ án mạng vừa xảy ra tối 23/11 tại thôn Tân An, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), em trai đâm chết anh trai do mâu thuẫn gia đình, tuy nhiên, bố của nghi can lại đến cơ quan công an xã đầu thú. Sau quá trình điều tra, cơ quan công an xác định nghi can của vụ án là em trai nạn nhân.
Căn nhà nơi xảy ra vụ án mạng (Ảnh: Lê Hiếu) |
Vấn đề đặt ra, liệu bố nghi can đi đầu thú nhận tội thay con trai có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Pháp luật quy định trường hợp nào phải chịu trách nhiệm hình sự và trường hợp nào không phải chịu trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với phóng viên, luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi của ông bố trong vụ án trên đã xâm phạm khách thể là các hoạt động tư pháp quy định tại chương XXII - Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Tại điều 292 có nêu khái niệm: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử và thi hành án trong việc bảo vệ quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Tuy nhiên, theo luật sư Vũ Ngọc Chi, hành vi của ông bố lên công xã để đầu thú mặc dù có dấu hiệu khách quan là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp nhưng có lẽ không có mục đích làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ở góc độ tình cảm ruột thịt, cha con, chắc bố vì quá thương con mà có hành vi lên cơ quan Công an đầu thú, mong được chịu tội thay và gánh đỡ cho con sự trừng phạt của pháp luật. Như vậy, mục đích của người bố đã thể hiện rõ ràng là vì tình cảm, còn mục đích có phải cố ý xâm phạm hoạt động của các cơ quan tố tụng hay không còn cần phải được cơ quan điều tra làm rõ bằng việc lấy lời khai bằng văn bản.
Ở góc độ văn bản pháp luật, việc lên đầu thú khi cơ quan chức năng chưa vào cuộc nên khó có thể khẳng định hành vi lên đầu thú là mục đích xâm phạm hoạt động tư pháp đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng.
Làm rõ thêm hành vi của ông bố trong vụ án trên, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), trong trường hợp người dân hiểu biết và nhận thức pháp luật còn hạn chế thì tuỳ tính chất mực độ, nhân thân người có hành vi phạm tội, các cơ quan chức năng xem xét và áp dụng hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu người nhận thay nhằm che giấu tội phạm khác mà mình có liên quan thì sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Điều 314 BLHS quy định về Tội không tố giác tội phạm, cụ thể: 1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. 2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này. 3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Luật sư Quynh cho rằng căn cứ theo khoản 1 Điều 313 tội che giấu tội phạm, mục 2 Điều 93 tội giết người, ông bố nhận tội thay cho con trong vụ việc xảy ra ở Thừa Thiên Huế phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Che giấu tội phạm hoặc tội không tố giác tội phạm. Điều 313 quy định: Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Điều 93: Tội giết người.
Trong trường hợp này, việc ông bố lên đầu thú rõ ràng vì là mong muốn nhận tội thay con, mong con không bị sự trừng phạt pháp luật. Luật sư Vũ Ngọc Chi phân tích và cho biết: “Với quan điểm là luật sư tôi cho rằng việc ông bố vì quá thương con mà có hành vi đầu thú nhận tội, là hành vi mang tính bột phát, thiếu hiểu biết đầy đủ về pháp luật và cũng đáng trách. Tuy nhiên, xét về mục đích, thời điểm và các quy định pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng không nên xem xét trách nhiệm hình sự của ông bố trong vụ việc này.
Trong trường hợp ông bố một mặt lên đầu thú nhằm kéo dài thời gian tạo điều kiện cho con bỏ trốn khỏi địa phương, một mặt chuẩn bị các điều kiện vật chất khác để cho con tẩu thoát để tránh sự trừng phạt pháp luật khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra thì việc xem xét trách nhiệm hình sự với ông bố là hợp lý”, luật sư Vũ Ngọc Chi nêu quan điểm./.