Bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều thách thức
TP. Hà Nội đã tích cực chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng khó khăn nằm ở chỗ tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xếp loại C rất nhiều là những thách thức lớn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cơ quan quản lý vẫn gặp khó
Việc giám sát ngay từ khâu đầu vào trợ giúp rất nhiều cho đầu ra của các loại nông sản, thực phẩm. Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành rà soát thực trạng buôn bán, kinh doanh các sản phẩm thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không nằm trong danh mục cho phép trên địa bàn thành phố. Theo thống kê, tại Hà Nội, hiện có khoảng 1.400 cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 735 cơ sở buôn bán kinh doanh thuốc thú y, khoảng 60 trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh gia súc gia cầm. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, khi nhận thức của người kinh doanh tăng lên đồng nghĩa với việc thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng sẽ giảm đi.
Việc giám sát chặt khâu đầu vào trong trồng trọt, chăn nuôi là nền tảng cho nông sản, thực phẩm đầu ra sạch. |
Tuy vậy, vẫn còn nhiều lỗi vi phạm mà nhiều chủ cơ sở cho là "không quan trọng". Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Phạm Khắc Diến cho biết, vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu tập trung vào các lỗi: Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; không công bố hợp quy, phù hợp an toàn thực phẩm; vi phạm nhãn mác; hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng... Toàn thành phố có hơn 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản nhưng tỉ lệ cơ sở xếp loại C khá nhiều.
Tình trạng nhập lậu các sản phẩm vật tư nông nghiệp như: Thuốc bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản ngoài danh mục được phép sử dụng từ các tỉnh biên giới về Hà Nội tiêu thụ diễn biến phức tạp, cũng ảnh hưởng tới việc quản lý sử dụng các hóa chất, vật tư trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp gây khó khăn cho các ngành chức năng trong quá trình xử lý vi phạm.
Huyện Sóc Sơn là một trong những vùng có nhiều cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Tạ Thị Lừng: Trên địa bàn huyện có 1.746 cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc thanh tra, xử lý vi phạm còn khó khăn do các cơ sở chủ yếu sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thú y, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi; vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, bảo quản, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tươi sống, sản xuất, kinh doanh rau, hoa, quả chưa có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ... Cán bộ của các xã, thị trấn dường như không xử phạt được vi phạm vì còn nể nang và số lượng cơ sở sản xuất quá lớn. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp xã, thị trấn chưa có, chủ yếu phụ thuộc vào nhân viên thú y, bảo vệ thực vật nên kết quả hạn chế.
Cần tăng mạnh kiểm tra, xử lý từ gốc
Để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện những quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất cấm; tổ chức lấy mẫu định kỳ để phát hiện vi phạm.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, chính quyền các địa phương cần rà soát, thống kê, kiểm tra đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT và phân cấp của UBND TP. Hà Nội. Các đơn vị của Sở NN&PTNT sẽ phối hợp tích cực với chính quyền các địa phương và các tỉnh, thành phố trong thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật về Hà Nội tiêu thụ. Xử lý nghiêm những cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trái quy định, vi phạm quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường để từng bước đưa hoạt động giết mổ vào nền nếp nhằm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.