Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ký kết chương trình phối hợp công tác
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Giảm đầu mạnh đầu mối vẫn đảm bảo công việc
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, thực hiện Nghị quyết 39-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, đến nay Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
|
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: HH). |
Qua rà soát, sắp xếp đã giảm 59 phòng, ban; giảm 39 trưởng phòng, ban, 143 phó phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 Ban Quản lý dự án, 2 Quỹ, giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và Quỹ. Các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đều hoạt động hiệu quả; chất lượng, khối lượng công việc được cải thiện; phát huy được trình độ, ý thức trách nhiệm của đông đảo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động.
Tại các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành phương án tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; sau sắp xếp dự kiến giảm được 128 đầu mối đơn vị.
Về tinh giản biên chế, Khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dự kiến đến năm 2017 giảm 69 biên chế so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 9,94 tỉ đồng/năm); Đến năm 2020 giảm 413 người so với hiện nay (giảm chi ngân sách khoảng 59,5 tỉ đồng/năm).
Khối cơ quan chính quyền, giảm 704 hợp đồng có chỉ tiêu đã tồn tại nhiều năm. Giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP được 3 đợt với 159 trường hợp, trong đó công chức 18 trường hợp, viên chức 86 trường hợp công chức cấp xã 55 trường. Tổng kinh phí chi trả thực hiện chế độ tinh giản biên chế khoảng 9,84 tỉ đồng. Năm 2016 giảm 1,5% biên chế công chức được giao (141 biên chế); Phấn đấu đến năm 2020-2021 giảm tối thiểu 10% so với biên chế được giao năm 2015.
Đối với viên chức, kiên quyết không tăng biên chế, chỉ tăng cho lĩnh vực y tế và giáo dục theo đúng định mức quy định tại các văn bản của Trung ương.
Năm 2017, Hà Nội sẽ hoàn thành phê duyệt và triển khai thưc hiện Đề án vị trí, việc làm và cơ cấu ngạch công chưc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; phấn đấu đến năm 2020 giảm tối thiểu 10% số biên chế được giao, hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết 39- NQ/TW.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phạm Minh Chính và đồng chí Hoàng Trung Hải nhất trí với những đánh giá của đoàn công tác về kết quả thực hiện Nghị quyết 39-CT/TW của Bộ Chính trị của Đảng bộ Thành phố Hà Nội và cho rằng, mục đích của việc tinh giản biên chế là nhằm hướng tới mục tiêu một người làm nhiều việc và 1 việc chỉ 1 người làm, tránh sự chồng chéo trong công việc. Muốn tinh giản biên chế phải thực hiện nguyên tắc là phải giảm đầu mối trên cơ sở thực tiễn, những nơi nào cần thì vẫn giữ nguyên.
Đồng chí Phạm Minh Chính và đồng chí Hoàng Trung Hải nhất trí cho rằng, cần phải rà soát lại chức năng nhiệm vụ để phân cấp thực hiện; tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; những nhiệm vụ nào, công việc nào nào chuyển sang cho doanh nghiệp và nhân dân làm được thì thực hiện chuyển sang. Cần chú trọng hơn trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; y tế; nông nghiệp (tách dịch vụ công ra khỏi quản lý Nhà nước).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh thêm, cần phải thấy tính đặc thù của Hà Nội đó là sự hợp nhất của Hà Nội và Hà Tây cũ, do đó tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức viên chức vẫn còn cồng kềnh. Nhưng kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 39 đến nay, Hà Nội đã đạt được những kết quả rõ nét. Việc thực hiện Nghị quyết cũng là dịp để Đảng bộ quyết tâm hơn trong việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ.
Tăng cường phối hợp thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng
Cũng trong chiều nay, Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy Hà Nội đã Ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2020. Mục đích của Chương trình phối hợp là nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các văn kiện của Đảng; tăng cường nghiên cứu lý luận, bám sát và tổng kết thực tiễn nhằm tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết những vấn đề khó, vấn đề mới liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho phép thực hiện thí điểm một số mô hình về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị TP Hà Nội.
Nâng cao chất lượng tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương. Xây dựng hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh; tạo chuyển biến mạnh hơn trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, nhất là tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là địa phương gương mẫu, đi đầu cả nước trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
|
Hình ảnh lễ ký kết. (Ảnh: HH). |
Theo Chương trình, Ban Tổ chức Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp về công tác tổ chức, bộ máy, biên chế; về công tác cán bộ và về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Trong đó, đáng chú ý là thí điểm sắp xếp thu gọn đầu mối một số cơ quan, đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương đồng. Đề xuất với Ban Bí thư cho Hà Nội thực hiện một số đề án thí điểm về công tác tổ chức và cán bộ theo hướng thu gọn đầu mối ở cấp huyện, cấp xã. Xây dựng cơ chế về tinh giản biên chế theo hướng tạo điều kiện cho những người có nhu cầu, tự nguyện xin ra khỏi biên chế. Phân chấp cho TP tổ chức xét thăng hạng viên chức, thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sau khi được Trung ương phân bổ chỉ tiêu./.