Sáng 9/8, phiên toà xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần thẩm vấn của Hội đồng xét xử và tranh tụng của các luật sư.

Trả lời thẩm phán Phạm Lương Toản, Chủ toạ phiên toà, bà Quách Kim Chi, vợ bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh được triệu tập đến toà với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cho biết, tổng tài sản của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh là 1.000 tỷ đồng.

Năm 2000, khi mới thành lập, công ty có vốn ban đầu là 50 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh là Công ty TNHH 2 thành viên của vợ chồng Phạm Công Danh, trong đó bà Chi có 20% số tài sản của công ty, bị cáo Phạm Công Danh sở hữu 80% tổng số tài sản. Bà Quách Kim Chi cho biết, là công ty gia đình, nên mọi việc điều hành, quản lý đều do chồng là bị cáo Phạm Công Danh đảm nhận.

vo pham cong danh khai tong tai san cua thien thanh la 1.000 ty dong hinh 0

Bị cáo Phạm Công Danh được chủ tọa phiên tòa cho phép được làm việc với luật sư để khai báo về những tài sản, vốn góp trong Tập đoàn Thiên Thanh

Chủ toạ truy vấn bị cáo Phạm Công Danh, với 80% tài sản sở hữu trong Tập đoàn Thiên Thanh, bị cáo Phạm Công Danh có những tài sản, vốn góp thế nào? Có bằng chứng công nhận tài sản vốn góp thế nào?... Bị cáo Phạm Công Danh đề nghị và được chủ toạ phiên toà cho phép được làm việc với luật sư để khai báo các vấn đề này.

Luật sư Lê Văn Đức, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Chí Bình, nguyên Giám đốc Công ty IDICO tiếp tục tham gia xét hỏi. Nguyễn Chí Bình khai, bị cáo căn cứ các văn bản của hội đồng quản trị công ty, các giấy uỷ quyền để ký các hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Xây dựng. Bình thực hiện theo chủ trương của Hội đồng quản trị, chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp, không vì lợi ích cá nhân.

Trả lời luật sư Lê Văn Đức, bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Chi nhánh Lam Giang khai, hồ sơ vay vốn của Công ty IDICO đầy đủ thủ tục. Việc cho công ty này vay, là do công ty làm ăn hiệu quả, tài sản thế chấp có giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm bị cáo Quyết bị bắt, khoản vay này chưa tất toán.

Trả lời luật sư Nguyễn Văn Lộc, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh và Hồ Thị Đi là Giám đốc Công ty Thịnh Quốc và Hương Việt do Phạm Công Danh lập nên, các bị cáo khai nhận, trước khi ký các hồ sơ vay vốn không hề đọc các hồ sơ đó. Các bị cáo khai được trả lương từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi tháng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Cường, nguyên Giám đốc Công ty Cường Tín đề nghị hội đồng xét xử cho bị cáo được nghỉ 1 ngày để đi khám bệnh. Chủ toạ phiên toà không chấp nhận đề nghị này và yêu cầu bị cáo phải có mặt đầy đủ trong suốt thời gian diễn ra phiên toà./.

Theo Huy Sơn/VOV - TPHCM