Từ đầu năm 2019, ngay sau khi xã Lương Phú được lựa chọn là đơn vị thí điểm thực hiện mô hình đưa Hội Đông y về quản lý tại Trạm y tế xã, Bác sĩ Đinh Thị Toàn vừa là Trạm trưởng, vừa giữ vai trò là Chủ tịch Hội Đông y của xã Lương Phú. Nhận thức tầm quan trọng của cây thuốc Y học cổ truyền, bác sĩ Toàn cùng với hơn 10 thành viên của Hội Đông y không ngừng chăm sóc và bảo tồn vườn cây thuốc nam với nhiều loại thuốc y học cổ truyền quý có nhiều tác dụng. Bác sĩ Toàn chia sẻ: "Khi bà con đến để khám chữa bệnh tại Trạm Y tế, bên cạnh y học hiện đại, mình có thể giới thiệu thêm các biện pháp y học cổ truyền, bà con cũng kịp thời tiếp thu và hưởng ứng một cách hiệu quả".

nang cao hieu qua hoat dong hoi dong y tuyen xa
Bác sĩ Toàn cùng các thành viên của Hội Đông y không ngừng chăm sóc và bảo tồn vườn cây thuốc nam.

Mặc dù là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện Phú Bình được thí điểm mô hình, Trạm Y tế xã Lương Phú được đầu tư hẳn một phòng chuyên biệt để chẩn trị y học cổ truyền. Tuy nhiên việc phát huy tác dụng của các bài thuốc y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại vẫn là một khó khăn lớn với những Trạm Y tế xã như Lương Phú: "Dụng cụ thì chưa được đầu tư, chuyên môn về y học cổ truyền tuyến xã gần như chưa được nâng cao trình độ. Qua đây, tôi cũng mong muốn hàng năm có những lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn để có y sĩ chuyên sâu về đông y để kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền". Bác sĩ Toàn cho biết.

nang cao hieu qua hoat dong hoi dong y tuyen xa
Việc phát huy tác dụng của các bài thuốc y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại vẫn là một khó khăn lớn với những trạm y tế xã.

Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có nhiều nhiệm vụ nằm ở tuyến y tế cơ sở đặc biệt là y tế xã. Để những mục tiêu này đạt được kết quả, mô hình của Hội Đông y tuyến xã cũng như chất lượng cán bộ làm chuyên môn về y học cổ truyền ở tuyến xã cần được quan tâm hơn nữa.