nang cao chat luong giam sat phan bien xa hoi o ca 3 cap
Toàn cảnh Hội nghị.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị khóa XI, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền ở hầu hết địa phương, đơn vị trong tỉnh bước đầu có nhiều đổi mới.

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để kiến nghị, góp ý với cấp ủy, chính quyền các cấp sửa đổi, bổ sung các chủ trương, chính sách cho phù hợp, sát với thực tiễn.

Đồng thời mở rộng và phát huy dân chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của cấp chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết các kiến nghị, đề nghị sau giám sát còn hạn chế…

Tại Hội nghị, đồng chí Bùi Xuân Hòa và đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh đã phát biểu, làm rõ một số nội dung mà Đoàn kiểm tra yêu cầu như: Việc xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện xã hội hàng năm; cách thức tổ chức, hoạt động của ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các địa phương; kết quả giải quyết kiến nghị, ý kiến phản ánh của nhân dân; việc hướng dẫn các tổ chức chính trị lựa chọn chủ đề giám sát theo từng năm…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Ngô Sách Thực ghi nhận, biểu dương kết quả thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW của Thái Nguyên trong 5 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh: Quá trình thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội cần có sự nghiên cứu, chỉ đạo, kịp thời rút kinh nghiệm, tránh chủ quan, nóng vội, nhất là với các vấn đề bức xúc, nhạy cảm. Đồng chí yêu cầu thời gian tới, Thái Nguyên cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở cả 3 cấp; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đáp ứng yêu cầu công việc được giao...