mung tho nguoi cao tuoi net dep van hoa dau xuan
Màn trình diễn văn nghệ của các cụ Người cao tuổi phường Quang vinh, TP Thái Nguyên

Có mặt tại UBND Phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên vào một ngày gần Tết Mậu Tuất 2018. Tôi cùng đồng nghiệp như được cùng hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp mà không kém phần long trọng. Mừng thọ các Cụ nhân dịp đầu Xuân – một nét đẹp trong văn hóa dân tộc Việt. Mặc dù thời tiết mùa đông lạnh buốt, nhưng thoáng trên gương mặt của các cụ về dự Lễ Mừng thọ hôm nay đó là sự vui mừng, hãnh diện và hạnh phúc. Các cụ rực rỡ với trang phục áo dài, khăn xếp đỏ, vàng được con cháu đưa đến nhà văn hóa để tham dự lễ mừng thọ. Không khí buổi lễ diễn ra trang trọng, ấm cúng. Xuân này, với cụ Trịnh Xuân Nhạ, ở tổ 14, phường Quang Vinh có lẽ là mùa xuân ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Ông đã lên lão 80, khỏe mạnh, minh mẫn; được con cháu, xóm, phường tổ chức lễ mừng thọ một cách trang trọng. Trong ngày vui, không giấu được sự xúc động, ông Nhạ tâm sự: “Năm nay, tôi mừng thọ 80 tuổi. Điều vui mừng nhất là các con cháu đều tập trung về đầy đủ. Với tôi sự quan tâm của địa phương, của người dân trong xóm và đặc biệt là sự sum vầy của cháu con đã là món quà tinh thần có ý nghĩa nhất tạo động lực cho tôi sống vui, sống khỏe và không cảm thấy cô đơn khi tuổi già sức yếu”.

Tâm sự của Cụ Trịnh Xuân Nhạ cũng là tâm sự của tất cả các cụ Người Cao tuổi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Cụ Nguyễn Hồng Ân, tổ 34, Phường Phan Đình Phùng cũng chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên trong trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, vượt qua mọi gian nan, khó nhọc, chúng tôi vẫn nuôi dạy đàn con nên người. Vui nhất là chúng tôi vẫn thọ đến hôm nay, được chứng kiến con cháu trưởng thành, hiếu thảo; xóm làng, quê hương, đất nước đổi thay, phát triển. Tuổi già được như vậy với chúng tôi thật không hạnh phúc nào bằng”.

Lớp trẻ của chúng ta hôm nay trân trọng người cao tuổi là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích luỹ qua bao năm tháng. Người được mừng thọ không phải là người có chức tước, quyền lợi mà chỉ là người được hưởng tuổi trời cho, được cái đặc ân mà người xưa thường gọi là thiên tước. Thế nên, mừng thọ ngày xuân không chỉ góp phần mang niềm vui đón tết trọn vẹn với người cao tuổi, gắn kết tình làng nghĩa xóm mà qua đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Chị Lại Tiểu Phương, tổ 11, Phường Quang Vinh, năm nay có mẹ chồng Thượng thọ 80 chia sẻ: “Tôi thấy gia đình có người cao tuổi được coi là đại hồng phúc. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Chính vì vậy, tôi thấy việc tổ chức mừng thọ là một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng và lưu giữ”.

mung tho nguoi cao tuoi net dep van hoa dau xuan
Năm 2018, toàn tỉnh có 16.500 cụ được mừng thọ. Trong đó có 150 cụ thượng thọ trên 100 tuổi; 75 cụ tròn 100 tuổi và 1.100 cụ 90 tuổi

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có trên 140 nghìn người cao tuổi. Đời sống tinh thần, vật chất của người cao tuổi ngày càng được gia đình, con cháu, địa phương và xã hội quan tâm. Điều này được thể hiện ở việc mừng thọ không chỉ được tổ chức trong gia đình, dòng họ mà được mở rộng ở thôn, xóm, khu phố. Năm 2018, toàn tỉnh có 16.500 cụ được mừng thọ. Trong đó có 150 cụ thượng thọ trên 100 tuổi; 75 cụ tròn 100 tuổi và 1.100 cụ 90 tuổi… Ông Nguyễn Ngọc Yến – Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Theo hướng dẫn chung, tuổi mừng thọ của các cụ bắt đầu từ 70 và sau đó cứ 5 năm tổ chức mừng thọ một lần. Hoạt động này đã được chúng tôi triển khai đến tận các Huyện, phường, thôn, xóm trong tỉnh. Lễ mừng thọ cho các cụ tiến hành tại Nhà văn hóa các thôn/xóm, khu dân cư và không chỉ với sự góp mặt của con cháu các cụ mà còn có sự chia vui của bà con làng xóm”.

Mừng thọ đầu xuân không chỉ góp phần mang niềm vui đón Tết trọn vẹn cho người cao tuổi, gắn kết tình làng nghĩa xóm mà qua đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, trân trọng giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc từ đó quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi tốt hơn. Đây cũng là hoạt động thể hiện truyền thống: "Kính già trọng lão", “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, phát huy vai trò “cây cao bóng cả” của người cao tuổi trong gia đình và toàn xã hội, qua đó động viên các cụ “sống vui, sống khỏe, sống hữu ích”.