Đối thoại Quốc phòng Seoul là cơ chế hợp tác đối thoại đa phương nhằm trao đổi các vấn đề chung của khu vực và quốc tế, góp phần xây dựng lòng tin, tiến tới thiết lập một cơ chế hợp tác an ninh đa phương trong khu vực. Kể từ lần Đối thoại đầu tiên tổ chức năm 2012 đến nay, đã có 5 lần Đối thoại được tổ chức và đoàn Việt Nam đã tham dự cả 5 lần.

khai mac doi thoai quoc phong seoul 2017 lan thu 6

Các trưởng đoàn đại biểu tham dự Đối thoại Quốc phòng Seoul 2017 lần thứ 6.

Tham dự Đối thoại Quốc phòng Seoul lần thứ 6 diễn ra trong hai ngày 7 và 8-9 có khoảng 250 nhà lãnh đạo quốc phòng hàng đầu, những người làm chính sách đến từ hơn 30 quốc gia. Chủ đề chính của Đối thoại năm nay là Tầm nhìn hợp tác an ninh trong một kỷ nguyên bất ổn. Trong khuôn khổ Đối thoại có 4 phiên toàn thể với các chủ đề: Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và an ninh trên bán đảo Triều Tiên: thách thức và giải pháp; Các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển; Những thách thức về an ninh mạng và hợp tác quốc phòng; Các loại hình khủng bố mới và hợp tác toàn cầu về chống khủng bố. Đồng thời với các phiên toàn thể còn có các phiên đặc biệt với chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và khoa học công nghệ quốc phòng; Đặc tính của tác chiến trong tương lai và chính sách quốc phòng.

Trong video clip của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, gửi tới chào mừng Đối thoại, bài phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc Đối thoại Quốc phòng Seoul của Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon và lời khai mạc của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo, đều đề cập tới những thách thức an ninh trong khu vực đã đặt ra yêu cầu các quốc gia cần phải tăng cường các nỗ lực hợp tác nhằm giảm bớt các nguy cơ, đối phó có hiệu quả với những thách thức an ninh mới nổi lên.

Diễn giả chính trong phiên khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, bà Marise Payne, trong bài phát biểu chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp, tránh nguy cơ xung đột và có khả năng mang lại sự thịnh vượng cho hàng trăm triệu người dân ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sự cạnh tranh có thể dẫn tới hợp tác khi các nước thực hiện cạnh tranh một cách lành mạnh và cách tiếp cận này là như nhau dù đó là Mỹ, Trung Quốc hay với Singapore, Việt Nam, Australia. Tất cả có thể được hưởng lợi từ một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp.

Đề cập đến những bất ổn trong khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa, Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne cho rằng hiện có quá nhiều hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, trong đó có các hoạt động bồi đắp, tạo ra các cấu trúc mới và quân sự hóa ở những khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trong các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne cho biết Australia đã thỏa thuận mở các lớp đào tạo tiếng Anh cho phía Việt Nam để làm công tác chuẩn bị triển khai lực lượng tham gia phái bộ Gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan; Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne cho biết trong chuyến thăm Việt Nam mới đây đã đề nghị Không lực Hoàng gia Australia sẽ giúp chuyên chở các nhân viên Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình tới Nam Sudan...

* Trước đó, chiều 6-9 đã diễn ra cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc với Thứ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với chủ đề: Đối thoại Quốc phòng Hàn Quốc-ASEAN-Vì một Đông Bắc Á mới hòa bình và an ninh.

khai mac doi thoai quoc phong seoul 2017 lan thu 6

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dự đối thoại giữa Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc với Thứ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Suh Choo-suk cho rằng trải qua 50 năm phát triển, ASEAN đã đóng một vai trò then chốt trong tiến trình hội nhập trên quy mô lớn của khu vực, góp phần nuôi dưỡng và hình thành thói quen đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. ASEAN đã sáng tạo ra hàng loạt các cơ cấu hợp tác đa phương như ASEAN+3 (APT), hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM)...Từ cuối năm 2015, Cộng đồng ASEAN đã hình thành với dân số 640 triệu người, phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu đạt tổng GDP của các cộng đồng lên 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025.

Thứ trưởng Suh Choo-suk cho biết hiện ASEAN là đối tác thương mại-đầu tư lớn thứ hai của Hàn Quốc và hai bên đặt mục tiêu nâng tổng giá trị thương mại hai chiều đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2020, thúc đẩy tự do hóa Hiệp định thương mại song phương (FTA) giữa ASEAN và Hàn Quốc và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh như doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, thành phố “thông minh”...Giao lưu nhân dân giữa Hàn Quốc với ASEAN được đẩy mạnh, lên tới 8 triệu lượt người trong thời gian qua.

Thứ trưởng Suh Choo-suk cho rằng hợp tác trong tương lai giữa Hàn Quốc và ASEAN cần theo ba định hướng chính là đảm bảo thịnh vượng bền vững, tăng cường giao lưu hai chiều với con người là trung tâm và phải đảm bảo duy trì một khu vực Đông Bắc Á hòa bình và an ninh.

khai mac doi thoai quoc phong seoul 2017 lan thu 6

Các Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN và Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh hoan nghênh nước chủ nhà Hàn Quốc đã lần đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc... Việc hình thành cơ chế đối thoại cấp Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN-Hàn Quốc sẽ tạo thêm một kênh đối thoại quan trọng nữa để hai bên tăng cường hợp tác một cách thực chất, có hiệu quả. Để cơ chế hợp tác mới này hình thành một cách có hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị hai bên cần chuẩn bị kỹ trước về mặt nội dung, chương trình nghị sự ở cấp làm việc rồi sau đó trình lên cấp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Hàn Quốc quyết định. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định phía Việt Nam ủng hộ sáng kiến của nước chủ nhà Hàn Quốc và sẽ tích cực hợp tác để sáng kiến này thành công.

* Trong khuôn khổ chuyến tham dự Đối thoại Quốc phòng Seoul 2017 lần thứ 6, chiều 7-9, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Quốc phòng Canada, bà Jody Thomas.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá quan hệ Việt Nam-Canada, trong đó có quan hệ hợp tác quốc phòng, thời gian qua đã có những bước phát triển rất tốt đẹp. Việt Nam luôn coi Canada là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và hết sức coi trọng quan hệ hợp tác quốc phòng với Canada. Tuy nhiên, so với tiềm năng giữa hai nước, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Canada vẫn còn ở mức khiêm tốn. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị trong thời gian tới, phía Canada tăng cường các hoạt động hợp tác với Việt Nam như hỗ trợ nhân viên Việt Nam tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của LHQ, đào tạo về ngoại ngữ (Anh, Pháp). Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mong muốn phía Canada cử học viên sang học tiếng Việt tại các trường đại học của Việt Nam, cử các sĩ quan cao cấp sang học về nghệ thuật chiến tranh tại Học viện Quốc phòng Việt Nam. Phía Việt Nam mong muốn được đón tiếp các tàu của hải quân và cảnh sát biển Canada ghé thăm các cảng biển của Việt Nam, cùng phía Việt Nam tham gia diễn tập tìm kiếm cứu nạn. Phía Việt Nam cũng mong muốn Canada tham gia hợp tác về không quân, an ninh mạng, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại.

khai mac doi thoai quoc phong seoul 2017 lan thu 6

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh gặp song phương với Thứ trưởng Quốc phòng Canada.

Trên lĩnh vực hợp tác đa phương, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ quan điểm Việt Nam, trên cơ sở đồng thuận của ASEAN, sẵn sàng hợp tác với Canada trong cơ chế hợp tác ADMM+. Thay mặt Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mời lãnh đạo quốc phòng Canada sớm có các chuyến thăm Việt Nam.

Thứ trưởng Quốc phòng Canada, bà Jody Thomas bày tỏ lời cảm ơn trước những lời nói tốt đẹp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Bà Jody Thomas cam kết phía Canada sẽ tiếp tục đóng góp và việc duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, tích cực tham gia hợp tác với phía Việt Nam trong các lĩnh vực cảnh sát biển, chống khủng bố, cứu trợ nhân đạo... Thứ trưởng Jody Thomas cho biết sẽ chuyển lời mời của lãnh đạo quốc phòng Việt Nam tới lãnh đạo quốc phòng Canada và thu xếp thăm Việt Nam trong thời gian thích hợp.