Nhiều năm trước, gia đình chị Lê Hồng Thái ở xóm Khe Mo 1, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, gia đình chị đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi gà với gần 10.000 con theo hướng chăn nuôi an toàn. Chăn nuôi theo hình thức này không chỉ giảm được chi phí đầu tư, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ, mà còn cho thu nhập cao, ổn định. Đặc biệt, các biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh được chú trọng, nên vật nuôi luôn khỏe mạnh. Chị Thái chia sẻ: “Bước đầu sẽ tẩy chuồng trại và tuân thủ đủ thời gian cách ly, sau khi bước vào chăn nuôi thì sẽ làm tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, chăm sóc ăn uống thì sẽ theo độ tuổi. Tới đây, chúng tôi sẽ hướng tới chăn nuôi theo hướng VietGAP”.

dong hy huong den phat trien chan nuoi ben vung da ps
Gia đình chị Lê Hồng Thái mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại và mở rộng quy mô chăn nuôi gà với gần 10.000 con theo hướng chăn nuôi an toàn.

Cũng chung mục tiêu hướng đến chăn nuôi bền vừng, gia đình chị Lê Thị Lan, ở xóm Trại Gião, xã Nam Hòa luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm từ khâu chọn giống, nguồn thức ăn, thường xuyên tiêu độc, khử trùng trang trại, xây dựng môi trường chăn nuôi an toàn. Với trên 4.000 con gà mỗi lứa, sau khi trừ các chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng/năm. Chị Lan chia sẻ kinh nghiệm: “Phương pháp chăn nuôi sạch và an toàn là hiệu quả nhất. Thứ nhất, có thể tạo được nguồn thực phẩm sạch; thứ hai là người dân biết đến thương hiệu của nhà mình, nên tìm đến mua với giá cao. Tôi rất mong tới đây, Nhà nước sẽ có chương trình hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng VietGAP”.

dong hy huong den phat trien chan nuoi ben vung da ps
Với trên 4.000 con gà mỗi lứa, sau khi trừ các chi phí, gia đình chị Lan thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ bắt đầu tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, với số lượng từ 4.000-8.000 con gà/lứa; 1.000-2.000 con lợn/lứa. Để góp phần giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, ngành nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và từng địa phương tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân. Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết: “Thời gian tới, để đẩy mạnh chăn nuôi an toàn trên địa bàn huyện, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện quy trình theo hướng an toàn, đồng thời mở các lớp tập huấn”.

Có thể thấy chăn nuôi theo hướng an toàn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, số lượng trang trại chăn nuôi an toàn còn ít. Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hơn nữa việc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giúp các chủ trang trại mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm để phát huy hiệu quả trong chăn nuôi./.