Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đã xác định mục tiêu nâng cấp và mở rộng quy mô các trường Phổ thông dân tộc nội trú, phấn đấu đưa số học sinh người dân tộc thiểu số được học ở các trường Phổ thông dân tộc nội trú lên 2.450 em vào thời điểm năm 2020, đạt tỷ lệ bình quân 8% (hiện nay, tỷ lệ này đang đạt 5,65 %). Như vậy, quy mô đào tạo của 6 trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh cần phải được tăng lên mỗi trường 1,5 lần so với thời điểm hiện tại.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình nâng cấp, mở rộng quy mô các trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 – 2020. Tính đến tháng 9/2017, đã có 2 dự án thuộc chương trình được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt là Dự án trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa và Dự án Mở rộng, nâng cấp quy mô trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ; 04 dự án thuộc các trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Đại Từ, Phú Lương, Phổ thông dân tộc nội trú THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phổ thông dân tộc nội trú Tỉnh đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư của cả 06 dự án là trên 169 tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nắm bắt thực tế tình hình hoạt động, cũng như khó khăn mà các trường nội trú đang gặp phải. Kiến nghị của đa số các trường đều nhấn mạnh: điều kiện cơ sở vật chất hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và nội trú của học sinh. Nhiều trường đều thiếu một số hạng mục công trình để đáp ứng yêu cầu theo chuẩn như: nhà bộ môn, phòng thí nghiệm, phòng đa năng, nhà nội trú học sinh, nhà ở công vụ cho giáo viên. Cùng với đó, quy mô lớp học của các trường hiện nay không đủ khả năng để tuyển sinh thêm.

Trên cơ sở ý kiến các trường và kiểm tra thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: nhu cầu nâng cấp, mở rộng quy mô là cấp thiết đối với các trường Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Để đạt mục tiêu 8% học sinh dân tộc thiểu số được học ở trường Phổ thông dân tộc nội trú vào năm 2020, đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án theo chủ trương của tỉnh.

Đối với một số kiến nghị khác của các trường liên quan đến việc đề xuất nâng mức hỗ trợ cho học sinh nội trú lên 1,0 mức lương tối thiểu thay vì 0,8 như hiện nay; phụ cấp đặc thù đối với giáo viên và nhân viên trong trường nội trú, đồng chí đề nghị các ngành nghiên cứu các cơ chế đặc thù từ Trung ương, có thể để cân đối để bổ sung nguồn hỗ trợ của tỉnh./.