can lam mot cay cau
Bến đò Chã hoạt động liên tục đưa đón người dân 2 tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên giao thương buôn bán

Cụ Lê Xuân Nam là bậc cao niên gắn bó gần 80 năm tại xóm Việt Hùng, xã Đông Cao cho biết: "Từ những năm 30 của thế kỉ trước, nơi đây là khu vực buôn bán, giao thương hàng hóa khá sầm uất giữa 2 tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên. Bến đò Chã đã có từ thời đó và đã phát huy được hiệu quả trong thông thương phát triển kinh tế của 2 địa phương. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử cũng như hoàn cảnh kinh tế, nên đến nay vẫn chưa có điều kiện xây dựng 1 cây cầu. Chợ Chã là chợ phiên truyền thống có từ lâu đời. Cho đến ngày nay, chợ Chã vẫn duy trì họp vào các ngày 2, 5, 7, 10 hàng tháng. Mỗi khi phiên chợ thì bến đò nhộn nhịp đông đúc hoạt động hết công suất.

Hiện nay, Bến đò Chã vẫn là điểm tập trung đi lại duy nhất trong khu vực của người dân 2 địa phương. Đặc biệt khi Khu công nghiệp điện tử Samsung Phổ Yên hoạt động, lượng lao động của Bắc Giang qua đò Chã làm công nhân khu công nghiệp rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày bến đưa, đón từ 500 đến 700 lượt người qua lại. Mặc dù, Bến đò Chã là 1 trong 10 điểm đò ngang đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tuy nhiên, cơ sở vật chất tại bến đò này cũng rất hạn chế. Đường đi xuống bến dốc cao, nhỏ hẹp, phương tiện đò ngang thô sơ, lúc nước nhỏ đò hoạt động bằng dây kéo, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro vẫn rất cao, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Cụ Nam cho biết thêm: Nhu cầu của người dân mong mỏi có 1 cây cầu nối liền 2 địa phương, 2 tỉnh là mơ ước nhiều đời của nhân dân nơi đây. Ngoài việc góp phần phát triển giao thương kinh tế văn hóa 2 vùng miền thì còn làm hạn chế những nguy cơ mất an toàn khi người dân đi đò.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế, xã hội của thị xã Phổ Yên có bước phát triển vượt bậc. Các khu công nghiệp nằm trên địa bàn thu hút một lượng lớn lao động, không chỉ ở Thái Nguyên mà cả ở tất cả các tỉnh lân cận. Riêng Bến đò Chã hiện đã hoạt động quá tải và tiền ẩn nguy cơ tai nạn sông nước. Việc có một cây cầu nối 2 bên là nhu cầu tất yếu của người dân 2 tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng theo hình thức nào là vấn đề cần phải bàn. Người dân địa phương sẵn sàng chấp nhận việc tỉnh Thái Nguyên kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng, sở trường thế mạnh đầu tư theo hình thức BOT như: cầu Bến Oánh, cầu Huống mà tỉnh Thái Nguyên từng thực hiện khá thành công.

can lam mot cay cau

Một góc sầm uất đầu Bến đò Chã phía xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên

Một cây cầu qua khu vực Bến đò Chã đã trở thành nhu cầu bức thiết không chỉ của nhân dân và chính quyền 2 địa phương mà còn là động lực có ý nghĩa lớn trong giao thương kinh tế, văn hóa, xã hội của cả 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang. Việc đầu tư bằng hình thức nào cũng đem lại lợi ích thiết thực về nhiều mặt. Hy vọng rằng, những mong muốn của người dân và những lợi ích cụ thể trước mắt về một cây cầu sẽ sớm được đáp ứng./.