Xung đột tại Ukraine: Các bên nhất trí về quy chế cho vùng đòi độc lập
Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky xác nhận việc nhất trí với "Công thức Steinmeier." (Nguồn: kyivpost) |
Ngày 1/10 tại cuộc họp thường kỳ ở thủ đô Minsk của Belarus, Nhóm Tiếp xúc ba bên giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine (gồm Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE) đã nhất trí về cơ chế "Công thức Steinmeier" theo tên của cựu Ngoại trưởng nay là Tổng thống Đức về giải quyết tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine suốt 5 năm qua.
Đây là kết quả mang tính đột phá nhất trong tiến trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột, tuy nhiên không tránh khỏi nhiều tranh cãi.
Đại diện của Nga, ông Boris Gryzlov cho biết tất cả các đại diện tại cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc, trong đó có đại diện từ hai vùng đòi độc lập Donetsk và Lugansk của Ukraine, đều nhất trí với công thức này để đưa vào luật pháp Ukraine thực hiện, theo đó trao quy chế đặc biệt cho các vùng đòi độc lập, rút quân khỏi vùng xung đột, thực hiện Thỏa thuận Misnk.
Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine Bogdan Yaremenko tuyên bố phía Ukraine "không ký gì" tại Minsk. Ông Yaremenko cũng nhấn mạnh, Ukraine không dự định đi ngược lại các nguyên tắc của mình, bao gồm nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như quyền được tự kiến giải Thỏa thuận Minsk.
Ngày 2/10, các nghị sỹ Ukraine cũng yêu cầu Ngoại trưởng và lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine giải thích về "Công thức Steinmeier."
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky lại xác nhận việc nhất trí với "Công thức Steinmeier."
Phát biểu với báo giới, ông tuyên bố Ukraine đã đáp lại bức thư của Đại diện đặc biệt của Chủ tịch OSCE Martin Sajdik rằng đã nhất trí với các thành viên đàm phán khác về văn bản "Công thức Steinmeier," tuy nhiên còn cần phải đưa công thức vào đạo luật mới về quy chế đặc biệt.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết luật này sẽ được Quốc hội Ukraine thông qua từ nay đến cuối năm sau khi thảo luận với công luận. Ông cũng khẳng định trong luật sẽ không có "giới hạn đỏ," do đó cũng sẽ không có việc "đầu hàng" (mất lãnh thổ) như dư luận tại Ukraine đang chỉ trích chính quyền, thậm chí tại thủ đô Kiev còn tổ chức tuần hành để phản đối.
Trong lúc này, đại diện hai vùng đòi độc lập hoan nghênh quyết định của Nhóm Tiếp xúc, coi đây là sự công nhận quyền tự xác định số phận mình của người dân hai vùng. Tuyên bố của lãnh đạo hai vùng còn nêu rõ, Donetsk và Lugansk sẽ tiếp tục đàm phán trong định dạng Minsk để đạt được "quyền tự quyết và tự xác định hoàn toàn."
Ngoại trưởng Đức Haiko Maas cũng hoan nghênh quyết định công nhận "Công thức Steinmeier," cho rằng văn bản sẽ mở được cánh cửa cho "Bộ Tứ Normandy."
Đại diện Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Maja Kocijancic bày tỏ hy vọng rằng việc các bên nhất trí "Công thức Steinmeier" sẽ dẫn đến các bước đi tiếp theo để giải quyết xung đột.
Người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov đánh giá rằng sau đây thời hạn nhóm họp "Bộ Tứ Normandy" sẽ sớm được ấn định. Ông cũng đánh giá tích cực việc phía Ukraine nhất trí nội dung "Công thức Steinmeier" và bày tỏ hy vọng diễn biến tiếp theo sẽ đi theo hướng các thỏa thuận cụ thể giải quyết xung đột Ukraine hay còn gọi là "Minsk-2."
Bốn năm trước, khi Kiev phong tỏa luật về quy chế đặc biệt cho các vùng đòi độc lập, cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã đề xuất một trình tự đặc biệt để quy chế có hiệu lực.
Theo đó, các vùng đòi độc lập sẽ được nhận quy chế đặc biệt tạm thời vào ngày tổ chức được bầu cử trước thời hạn tại đây. Chỉ sau khi OSCE công bố kết quả bầu cử và công nhận tính chính thể của kết quả bầu cử thì quy chế này mới có hiệu lực lâu dài.
"Công thức Steinmeier" được phê chuẩn tại cuộc gặp của "Bộ Tứ Normandy" ngày 2/10/2015. Tuy nhiên, sau đó Kiev đưa ra các điều kiện mới nếu muốn Kiev thực hiện. Đàm phán rơi vào bế tắc cho tới bước tiến vượt bậc ngày hôm nay./.
Tâm Hằng (TTXVN/Vietnam+)