Xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ: Giáo viên trút “gánh nặng”
Thầy giáo Đặng Đức Thi đã rất vất vả và mất nhiều thời gian để thi được 2 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ |
Để có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ hoàn thiện hồ sơ và được xem xét thăng hạng giáo viên, thầy giáo Đặng Đức Thi, trường THCS Tân Thịnh, huyện Định Hóa đã phải chật vật bởi do đặc thù của công tác ở trường vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn nên thầy Thi phải sắp xếp vào các ngày cuối tuần để học.
Thầy giáo Đặng Đức Thi chia sẻ: “Tôi năm nay đã sang tuổi 60, sắp về hưu. Để có 2 chứng chỉ đó, đặc biệt đối với những người có tuổi như chúng tôi, mà ngày xưa chúng tôi không được học tiếng Anh, tin học cũng chưa có nên đó là cả một quá trình rất vất vả, khó khăn. Cuối cùng cũng có được 2 văn bằng đó, tuy nhiên tôi thấy cách quy định và đào tạo, yêu cầu giáo viên có 2 văn bằng đó mang tính hình thức, gây áp lực lớn cho nhà trường và giáo viên.”
Các giáo viên, đặc biệt ở bậc học mầm non đều cho rằng việc xóa bỏ 2 loại văn bằng này là quyết định phù hợp và thiết thực |
Không chỉ riêng huyện Định Hóa mà thời gian qua, có nhiều giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh phải hoàn thiện 2 loại chứng chỉ Tin học và ngoại ngữ. Để hoàn thiện các chứng chỉ này, các thầy cô giáo đã rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Hầu hết các thầy cô giáo đều cho rằng việc xóa bỏ 2 loại văn bằng này là quyết định phù hợp và thiết thực của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo xóa bỏ 2 chứng chỉ này thì đối với các giáo viên bậc học mầm non như chúng tôi rất mừng, bởi vì thực tế hàng ngày nó không áp dụng nhiều đối với công việc chuyên môn của mình.”
Trên thực tế hiện tượng “thương mại hóa” chứng chỉ tin học và ngoại ngữ không hiếm, bởi nhiều giáo viên không có đủ thời gian, khả năng để học và thi lấy chứng chỉ nhiều lần, đặc biệt giáo viên dạy tiếng Anh phải có chứng chỉ ngoại ngữ 2, điều này khiến cho việc thi tốn thời gian và kinh phí với kiến thức ứng dụng không mang lại hiệu quả cao.
Bà Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường THCS Tân Thịnh, huyện Định Hóa cho biết: “Khi yêu cầu giáo viên có thêm một số chứng chỉ nào khác, cần quan tâm về chất lượng chứ không phải là hình thức. Bản thân tôi thấy theo chủ trương mới rất cần thiết nhưng hơi chậm vì theo yêu cầu nhiều giáo viên đã có đủ các chứng chỉ.”
Việc loại bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ không đồng nghĩa với việc giáo viên ngừng học, ngừng trau dồi kiến thức. Thực tế việc sử dụng tốt ngoại ngữ và tin học cũng là một lợi thế để khám phá tri thức nhân loại nhất là đối với đội ngũ nhà giáo. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đáp ứng yêu cầu mới, sắp tới ngoại ngữ và tin học sẽ được dạy sâu hơn trong chương trình đào tạo sư phạm. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Bộ Nội vụ trình ban hành việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong tháng 12 này./.