WEF ASEAN 2018: Châu Á sẽ vượt qua Mỹ trong cuộc chiến sáng tạo
Hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia
Phát biểu tại “Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?”, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết: “Chúng ta cùng chứng kiến cả thế giới đang trong xu hướng tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế dựa trên những thành tựu và sự phát triển của KHCN và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là các công nghệ trọng tâm của cuộc cách mạng công nghiệp - CMCN 4.0 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đời sống xã hội đối với Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN”.
ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả? |
Ông Ngọc Anh cũng cho rằng, việc tiếp cận tầm nhìn chiến lược, xác định cơ hội và thách thức trong bối cảnh CMCN lần thứ tư là con đường nhanh và hiệu quả để lựa chọn những định hướng, giải pháp quốc gia, tạo bước phát triển đột phá, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trên thế giới. Ở đó, cũng tạo ra cơ hội cho giới trẻ và cộng đồng ASEAN phát huy năng lực trí tuệ, sáng tạo, để biến thách thức thành thời cơ và chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm, gặt hái thành công trong quá trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu Bộ KHCN nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã xác định: DN, trong đó các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là đối tượng trung tâm của nền kinh tế; KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Đồng thời cũng chủ động tăng cường năng lực tiếp cận của cuộc CMCN lần thứ 4.
Theo Bộ trưởng, đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tương đối hoàn chỉnh và bước đầu thu hút được một số nguồn lực phát triển của trong nước và quốc tế; đã thiết lập một số hành động dựa trên tiềm lực quốc gia để nắm bắt cơ hội và chủ động ứng phó với các cơ hội của cuộc CMCN 4.0.
Có nên tạo ra những “bản sao” Thung lũng Silicon?
Tại cuộc thảo luận trong “Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?”, người điều phối bà Amrita Cheema, Biên tập viên cấp cao tại kênh truyền hình Duetsche Welle, Đức, đã đặt câu hỏi cho diễn giả về việc liệu cách mạng công nghệ 4.0 sẽ làm mất việc làm hay sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn thì tất cả các diễn giả đều cho rằng CMCN 4.0 mang lại nhiều điều cho xã hội và cũng thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. CMCN 4.0 sẽ trao quyền và hướng tới con người. “Chúng ta ko đc làm nô lệ của máy móc mà phải làm chủ chúng”, bà Amrita nhấn mạnh.
Các diễn giả tham gia thảo luận tại Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?”. |
Ông Syed Saddiq Abdul Rahman, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, 25 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong nội các Malaysia, cho biết giới trẻ nước ông đầy phấn khích nhưng cũng có lo lắng trong cuộc CMCN 4.0. “Đã có sự lo lắng về thất nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, rõ ràng sự chuyển đổi này trong tương lai sẽ mang lại những kết quả lạc quan. Cánh cửa sẽ đóng lại khi mọi thứ tự động hoá nhưng khi máy dệt được đưa vào CMCN lần 1 thì rất nhiều nghề khác được tạo ra. Khi máy tính thay thế máy chữ thì cũng có nhiều nghề thú vị hơn xuất hiện”.
Vị Bộ trưởng 25 tuổi cũng cho biết, ở Malaysia, cộng đồng trẻ rất quan tâm đến game. “Từ 2011, chúng tôi đã nỗ lực tạo ra hành lang số và xây dựng thung lũng Silicon giống như Mỹ. Chúng tôi chuẩn bị cho thanh niên tham gia vào cuộc CMCN 4.0”. Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần công nhận tiềm năng lớn của thanh niên. Họ là những người sẽ xây dựng và tạo ra tiềm năng lớn của CNCN 4.0.
“Cần phản đối ý kiến trước đây rằng những người lớn tuổi mới là những người có kinh nghiệm. Thực tế, những người trẻ hiện nay đang có kinh nghiệm rất cao. Chúng ta phải công nhận rằng những người trẻ sẽ là lãnh đạo trong tương lai”, ông Syed Saddiq Abdul Rahman nhấn mạnh.
Xây dựng mô hình Thung lũng Silicon vốn là một chiến lược được đầu tư tại nhiều nước Đông Nam Á, tuy nhiên, để tạo ra được dấu ấn riêng của mình là một câu hỏi khiến các diễn giả tại buổi Toạ đàm quan tâm.
Bà Yasmin Hahmood, CEO Tổ chức kinh tế số Malaysia, là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong cuông cuộc xây dựng chính phủ số, cho rằng, xây dựng Thung lũng Silicon sẽ mang lại nhiều phát kiến mới và quan trọng cho đất nước, tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng khi sao chép mô hình này. Bởi vì mỗi nơi, một đất nươc là một phiên bản. Mỗi quốc gia cần xem xét mô hình của riêng mình, một thế mạnh của riêng mình”.
Chuyên gia kinh tế người Malaysia nhấn mạnh, nếu ai đó đặt câu hỏi liệu châu Á hay Hoa Kỳ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến sáng tạo thì tôi sẽ trả lời rằng: Châu Á sẽ chiến thắng bởi sức mạnh của khu vực này sẽ tạo ra những điều kỳ diệu.
Cũng tham gia “Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?” theo lời mời của Tổ chức Kinh tế thế giới WEF, ông Lê Hồng Minh, CEO Công ty VNG, diễn giả Việt Nam duy nhất tại Diễn đàn này, cũng cho rằng: Mô hình Silicon sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta nhưng khó có một mô hình nào thực sự thành công nếu chỉ sao chép đơn thuần và thiếu đi sự sáng tạo khác biệt.
Đây cũng là lời khuyên mà ông đưa ra cho các bạn sinh viên tại Diễn đàn. “Các bạn hãy làm những điều khác thường, khó mà tưởng tượng được ở thời điểm này, vì 10, 20 năm tới, những điều đó mới giúp chúng ta đạt được thành công hơn cả mong đợi”.
Ông Minh cũng chia sẻ khởi nguồn khi ông cùng cộng sự thành lập công ty VNG từ 14 năm trước. Ông cho biết: “Thời đó điều tôi quan tâm nhiều nhất là chơi game”.
Ông Lê Hồng Minh, CEO công ty VNG, kể về những ngày thành lập công ty. |
“Tôi thường chia sẻ với bạn bè rằng chúng tôi là một thế hệ cực kỳ may mắn, bởi khi chúng tôi lớn lên trong giai đoạn "tuổi teen" vào những năm 90 thì đấy cũng chính là thời điểm máy tính được đưa vào Việt Nam, và sau đó là Internet.
Nhìn vào máy tính và Internet, chúng tôi thấy rằng đây là những công nghệ thật tuyệt vời, có thể giúp con người hiện thực hóa những giấc mơ, có thể chơi game, kết nối với những người ở tận bên kia nửa vòng Trái Đất.
Đối với các bạn trẻ ngày nay thì khái niệm đó nghe có vẻ quá đỗi bình thường, nhưng vào 20 năm trước, với thế hệ của chúng tôi, khi chúng tôi lớn lên, thì nó diễn ra trong một bối cảnh rất lớn, làm thay đổi mọi thứ.
Chúng tôi bắt đầu hình thành ý tưởng xây dựng một công ty, một sự nghiệp của mình bắt nguồn từ những thứ kỳ diệu - thứ mà sau này thành một khái niệm bình thường”.
Ông Minh nói thêm: “Ngày nay, có rất nhiều thứ kỳ diệu xung quanh chúng ta. Thí dụ như khi đặt một câu hỏi cho máy tính, thì máy tính sẽ đưa ra một câu trả lời hết sức tự nhiên, giống như Google đã trình diễn với công nghệ AI của mình. Một thí dụ khác là khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone vào năm 2007, thì chúng tôi với tư cách là những người làm trong lĩnh vực công nghệ, đã hiểu được rằng đó là một thời khắc kỳ diệu.
Sinh viên tham dự phiên thảo luận tại Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả?” |
Tôi muốn nói với các bạn sinh viên rằng, hãy tưởng tượng vào 20 năm sắp tới từ thời điểm hiện nay, cũng giống như khi chúng ta nhìn lại 20 năm về trước. Các bạn đừng làm những điều bình thường, mà hãy làm những điều khác biệt. Bởi vì tương lai của nhân loại sẽ phụ thuộc vào những điều mà hiện nay các bạn cho rằng "không thể tưởng tượng nổi", những điều kỳ diệu, khác biệt.
Chia sẻ của ông Minh dường như đã khiến người điều phối buổi thảo luận rất thích thú, bà bình luận: “Thường thì người lớn hay nói với trẻ vào lúc 5 tuổi rằng "Hãy tập trung vào học hành đi, đừng làm những chuyện vớ vẩn". Nhưng mà ông Minh thì đã tập trung vào chơi game, và sau đó thì ông cũng đã nghiên cứu về an ninh mạng và bảo mật tại Hàn Quốc. Và sau đó thì ông đã thành lập công ty VNG”.