Vụ bắn chết 3 người do tranh chấp đất đai: Trách nhiệm của ai?
bắn chết 3 người ở Đắk Nông, tranh chấp đất đai, 3 người ở Đắk Nông bị bắn chết, bị bắn chết, tranh chấpUBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, vụ việc 3 nhân viên của công ty TNHH Long Sơn bị bắn tử vong khi đang giải tỏa khu đất rừng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là vụ tranh chấp đất đai giữa doanh nghiệp với người dân. Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Hồng Bách, công ty Luật Bross và cộng sự.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. |
Vụ việc nghiêm trọng
PV: Ông đánh giá gì về vụ việc công ty Long Sơn giải tỏa đất rừng của người dân dẫn tới xô xát nổ súng khiến 3 người thiệt mạng, 16 người bị thương?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của các nạn nhân mà còn ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự địa phương và gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, xử lý nghiêm đối với những ai có hành vi vi phạm, đồng thời xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, phòng tránh các trường hợp tương tự trong tương lai. Qua vụ việc này, một lần nữa cho thấy vấn đề đất đai và tranh chấp đất rừng nói riêng cũng là vấn đề rất nóng và phức tạp.
PV: VKSND tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án giết người. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới sự dồn nén đẩy mâu thuẫn tới đỉnh điểm khiến người dân vi phạm pháp luật?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép các tổ chức, cá nhân tự ý giải tỏa đất, bất luận trong trường hợp nào. Tùy theo từng tình huống cụ thể, ví dụ người ta có vi phạm đất đai, chính quyền phải cho phép đối với các cơ quan chức năng, trong trường hợp này phải có các lực lượng vũ trang, đơn vị thi hành án phối hợp các cơ quan tiến hành thì mới có thể giải tỏa, giải phóng mặt bằng.
Việc công ty Long Sơn tự ý đưa nhân viên vào giải tỏa khu đất rừng là một hành vi sai.
PV: Được biết, đây là vùng đất nóng, quá trình triển khai dự án đã không ngừng phát sinh tranh chấp với các hộ dân có nương rẫy trên diện tích đất công ty được giao. Sau nhiều lần thương thảo không xong, công ty vẫn tổ chức cưỡng chế, phá bỏ để thu hồi đất. Có vẻ vai trò của chính quyền địa phương ở đây rất mờ nhạt, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Nếu đúng những gì báo phản ánh, rõ ràng các cấp chính quyền địa phương đã không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình trong vấn đề giải quyết vụ việc.
Thứ nhất, các cấp chính quyền đã để doanh nghiệp tự ý phá hủy tài sản, thu hồi đất của người dân mà không có các biện pháp ngăn chặn hoặc không yêu cầu thông qua các trình tự thủ tục luật định. Nếu lấy đất của dân mà không phải các trường hợp thu hồi đất, cần thỏa thuận với dân để đền bù cho dân hoặc góp vốn theo quy định của luật đất đai. Nếu không chính quyền phải ra quyết định thu hồi cưỡng chế.
PV: Ông có thể phân tích khiếm khuyết của người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý trong vụ việc này?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Theo tôi, tất cả các bên đều có lỗi. Bởi vì người dân đã quá manh động, nhưng họ thiếu hiểu biết và thiếu kiềm chế nên dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Doanh nghiệp cũng không tuân thủ đúng quy định pháp luật khi tự cưỡng chế, thu hồi đất và phá hủy tài sản của công dân.
Đối với các cấp chính quyền, những lý do nào đó đã không kịp thời can thiệp và giải quyết đúng pháp luật dẫn đến tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp trở nên gay gắt, bùng phát thành vụ án hình sự nghiêm trọng.
Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.
PV: Đây có thể được coi là vụ việc điển hình bộc lộ những tồn tại lỏng lẻo trong công tác quản lý đất rừng, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Chúng ta phải khẳng định điều đó bởi rõ ràng vẫn có những vụ việc như vậy và hậu quả đáng tiếc. Công tác quản lý đất đai vẫn còn quá nhiều hạn chế. Ví dụ, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý dẫn đến việc người dân khai hoang, phá rừng làm nương rẫy một cách tự phát, thậm chí lấn chiếm đất trái phép. Các hành vi này vẫn diễn ra phổ biến, điều đó đánh giá công tác quản lý, thu hồi đất, giao đất rừng còn có nhiều sai phạm. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra bức xúc cho người dân.
Chúng ta có thể khẳng định công tác quản lý, sử dụng đất rừng còn kém hiệu quả, ẩn chứa không ít tiêu cực, thậm chí gây lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước.
PV: Như ông đã nói về trách nhiệm của chính quyền địa phương, vậy cụ thể người đứng đầu từ cấp xã đến cấp tỉnh trong vụ việc này được xem xét thế nào, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Hồng Bách: Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong trường hợp này phải có và không thể trốn tránh. Trên địa bàn địa phương xảy ra hậu quả chết người, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm.
Trong trường hợp này, tôi cho rằng trách nhiệm về quản lý tài nguyên đất đai, đất rừng của người đứng đầu địa phương không tốt. Nếu không có giấy tờ và không cho phép doanh nghiệp thì tại sao doanh nghiệp tự ý giải tỏa. Trong khi luật đã quy định trường hợp nào nhà nước thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, trường hợp nào chủ đầu tư phải có trách nhiệm thỏa thuận với người dân hoặc góp vốn, hoặc đền bù thỏa đáng. Thế nhưng, công tác lãnh đạo ở chính quyền địa phương đã không làm tốt việc đó.
Vì vậy, bên cạnh việc xác định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, các cơ quan chức năng cũng cần điều tra, xác minh nguyên nhân vụ việc để xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan đã không thực hiện những gì luật pháp yêu cầu.
PV: Xin cảm ơn ông./.