trao doi kinh nghiem ve giai quyet tranh chap thuong mai quoc te

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Ngày 24/10, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Pháp và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa thẩm phán Việt Nam và thẩm phán quốc tế về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ hoạt động của dự án cấp khu vực của UNDP về “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do Quỹ thịnh vượng của Vương quốc Anh tài trợ.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu mới nhất do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam có nhiều cải thiện rõ rệt nhất trong số 141 nền kinh tế, tăng 10 bậc để xếp hạng thứ 67 về năng lực cạnh tranh.

Theo đuổi thành công chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007 và tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong đó có hai hiệp định lớn là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là điều kiện cần để Việt Nam xóa bỏ rào cản, thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trên thế giới.

Trong bối cảnh mới này, tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế đã và đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Để có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến thương mại quốc tế. Chẳng hạn như năm 1995, Việt Nam phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài; năm 2015, Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).

Sau khi gia nhập các văn kiện quốc tế này, Việt Nam đã sửa đổi các luật quan trọng, như Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự để nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế vào luật pháp quốc gia.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao, tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm (2014-2018) dao động ở mức thấp, từ 80-151 vụ.

Các tranh chấp này thường tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương.

Cũng theo báo cáo này, trong 5 năm 2014-2018, chỉ có 28 yêu cầu công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài được giải quyết so với tổng số 45 yêu cầu được tiếp nhận.

Trong bối cảnh mới này, tòa án Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi và củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.

Hội thảo này là một trong các hoạt động hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho Tòa án Nhân dân Tối cao trong nỗ lực cải cách hệ thống tòa án và trong việc nâng cao năng lực cho các thẩm phán trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế đang ngày càng nhiều và càng phức tạp, để thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam.

Mục đích của hoạt động này là tạo ra một diễn đàn cho những thẩm phán có kinh nghiệm về xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm với các thẩm phán Việt Nam.

Dự án “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” do UNDP hợp tác với Chính phủ Anh thực hiện từ năm 2018-2021.

Dự án hỗ trợ xây dựng cơ chế minh bạch trong cả khu vực công và tư, tăng cường nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng và xây dựng các điển hình doanh nghiệp có trách nhiệm. Đây là dự án đầu tiên được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh cho Đông Nam Á thuộc Chương trình cải cách kinh tế.

Với mục đích xóa đói giảm nghèo toàn cầu, Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh đã và sẽ tài trợ 1,2 tỷ bảng Anh cho việc đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện với các nước thu nhập trung bình.

Tại Việt Nam, dự án tập trung vào 3 mục tiêu: thúc đẩy ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng; thúc đẩy kinh doanh liêm chính và cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp.

Năm 2018, dự án đã hỗ trợ Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện 2 khóa đào tạo về Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và 1 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các công ước quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và các nhà đầu tư cho các thẩm phán của Tòa án cấp cao và Tòa án tỉnh, xây dựng giáo trình về kỹ năng giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế cho các thẩm phán.

Với những kết quả tích cực của các hoạt động này, và sự hỗ trợ từ các Thẩm phán Tòa phá án Cộng hòa Pháp, UNDP tiếp tục hỗ trợ tổ chức hai hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm giữa các thẩm phán Pháp và Việt Nam về xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh./.

PV (TTXVN/Vietnam+)