Văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân thúc đẩy phát triển bền vững
Đạo đức doanh nhân là những giá trị cốt lõi, bền vững mà doanh nhân tạo lập cho chính mình và doanh nghiệp |
Cộng đồng doanh nghiệp Thái Nguyên hiện có khoảng 9.820 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 144.300 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, số lượng doanh nghiệp đã tăng gần 3 lần, hoạt động giao thương nội bộ tăng trên 10 lần. Tiềm lực các doanh nghiệp của tỉnh đã lớn mạnh và gia tăng đáng kể. Đầu năm 2023, theo bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Thái Nguyên có 7/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và 4/500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam… Công ty Cổ phần CNT Group hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng; thương mại và dịch vụ; dịch vụ nhà hàng; bất động sản… Với phương châm “Đổi mới - Sáng tạo - Tiên phong” và nỗ lực xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc riêng, CNT từ một đơn vị có doanh số khởi điểm 8 tỷ đồng/năm, đến năm 2023, doanh số của công ty đã đạt trên 400 tỷ đồng..
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn CTN Group cho biết: "Hệ sinh thái tương lai của chúng tôi được xây dựng trên nền tảng bởi các yếu tố con người, nền tàng văn hóa, các hành động cụ thể về trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm với khách hàng và người lao động..."
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tập trung vào chất lượng sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thu hút khách hàng nhiều hơn và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trên cơ sở xác định không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và mang bản sắc riêng, HTX Chè Hảo Đạt đã nỗ lực sáng tạo và khai thác các giá trị văn hóa của cây chè nhằm tạo dựng hình ảnh nhận diện đặc trưng cho các sản phẩm của vùng chè Tân Cương – 1 trong “Tứ đại danh trà” của Thái Nguyên:
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt, TP Thái Nguyên cho biết: "Bản thân tôi vẫn luôn nỗ lực tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh để cung ứng ra thị trường những sản phẩm tốt."
Đạo đức doanh nhân là những giá trị cốt lõi, bền vững mà doanh nhân tạo lập cho chính mình và doanh nghiệp. Đạo đức doanh nhân, không chỉ là làm tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đó còn là trách nhiệm xã hội, là ý thức cộng đồng của doanh nghiệp, doanh nhân thông qua những nỗ lực nhằm ổn định việc làm, thu nhập và chăm lo tốt cho đời sống tinh thần của người lao động tại đơn vị. Đó còn là sự tích trong tham gia các chương trình an sinh xã hội tại địa phương:
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Giám đốc Công ty CP Trung Thành Thái Nguyên cho biết: "Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 công ty chúng tôi cũng đã dành một khoản kinh phí khoảng 300 triệu đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội như xóa nhà dột nát, tặng xe đạp cho học sinh nghèo và tặng quà Tết cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn."
Ở bất cứ thời điểm nào, văn hóa doanh nghiệp và đạo đức doanh nhân cũng có vai trò quan trọng, là “trụ đỡ”, là “điểm tựa” cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp chính là đạo đức doanh nhân. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Thái Nguyên đang tích cực hưởng ứng thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình... nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, góp phần “làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” - như lời căn dặn của Chủ tịch HCM khi người về thăm Thái Nguyên./.