Từ văn hoá ứng xử ở V-League đến kỷ cương của VFF
Thật ra thì tình huống công nhận bàn thắng của Châu Ngọc Quang cho HA Gia Lai từ phía trợ lý trọng tài Phan Việt Thái chỉ là một lỗi nhận định thông thường.
Lỗi này về mặt tính chất khác xa với cách điều hành trận đấu của trọng tài Nguyễn Trọng Thư trong trận CLB TPHCM – Long An, trên sân Thống Nhất ở buổi tối lịch sử 19/2. Bởi, trợ lý Phan Việt Thái nói riêng và tổ trọng tài trong trận HA Gia Lai – Quảng Nam nói chung không gây ức chế cho đội Quảng Nam một cách có hệ thống, như trọng tài Trọng Thư gây ức chế cho đội Long An.
Thành ra, phản ứng từ phía lãnh đạo đội Quảng Nam sau đó càng dở. Việc nào ra việc đó, trợ lý trọng tài Phan Việt Thái sai trong tình huống mắc lỗi nhận định vừa nêu, ông đáng bị xử, và đã bị Ban trọng tài “treo cờ” có thời hạn gần như ngay lập tức.
Ông Lê Nguyên Hồng là người giữ trọng trách tại VFF nhưng lại thiếu kiềm chế trong phát biểu của chính mình |
Riêng phản ứng của lãnh đạo CLB bóng đá Quảng Nam quá nặng nề, nhằm vào giới trọng tài và nhằm cả vào quan chức của đội bóng bên kia.
Cứ cho rằng ông Lê Nguyên Hồng khi phát biểu xúc phạm giới trọng tài và “đá xoáy” chủ tịch CLB HA Gia Lai Đoàn Nguyên Đức, ông Hồng không mang bất cứ chức danh gì ở đội bóng đất Quảng trong mùa giải năm nay. Tuy nhiên, ông Hồng vẫn đang là uỷ viên Ban chấp hành (BCH) VFF, đồng thời là trưởng Ban bóng đá phong trào của cơ quan này.
Thành ra, không thể nói không thể kỷ luật ông Lê Nguyên Hồng, ở chỗ ông là người giữ trọng trách ở cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá Việt Nam, là người đang góp phần nắm trong tay kỷ cương của bóng đá nội, nhưng lại có những lời lẽ vượt ra ngoài khuôn khổ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người khác, hình ảnh của V-League, vốn là giải đấu thuộc quyền kiểm soát của chính VFF.
Đối với người hâm mộ, đối với những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam, kỷ luật hay không kỷ luật ông Lê Nguyên Hồng vào lúc này thật ra không còn quan trọng, vì đằng nào lời nói cũng đã được nói ra rồi, dư luận cả nước cũng đã được nghe đủ cả, và đã đánh giá được tác động cũng như tính chất của lời nói đấy.
Chỉ có điều, với chính VFF, nếu không kỷ luật vị uỷ viên BCH kiêm trưởng Ban bóng đá phong trào của chính tổ chức này, họ làm sao khiến cho giới trọng tài – những người trực tiếp bị xúc phạm cảm thấy phục? Làm sao khiến cho các đội bóng nể, để không dám nói bậy về sau? Rồi dưới nữa là làm sao cho các cầu thủ tin rằng bóng đá Việt Nam thật sự có kỷ cương?
Nên nhớ, BCH VFF là nơi có tiếng nói quyết định trong những quyết sách quan trọng nhất của cơ quan điều hành bóng đá nội, và khi một uỷ viên BCH VFF không đúng mực trong lời nói của mình, dễ dàng buông ra những lời nói quá khích như vậy trên phương tiện truyền thông, thì lấy gì để người ngoài tin rằng các quyết sách về bóng đá nội từ BCH VFF là quyết sách sáng suốt, bình tĩnh?
Một khi một uỷ viên BCH VFF, kiêm trưởng một ban chức năng của tổ chức này dễ dàng buông ra những lời nói vượt quá khuôn khổ, nhưng không bị kỷ luật, thì dựa vào đâu để VFF đưa toàn bộ làng cầu, đưa những hành xử trên sân bóng của giới cầu thủ đi vào khuôn khổ, như chủ trương xuyên suốt mà chính VFF và ngành TDTT từng đưa ra hồi đầu năm nay?
Kim Điền