Bắc Giang: Bị đòi nợ, 2 thanh niên chuyển hướng cuộc gọi tới đường dây nóng Bộ Công an

Ngày 6/3, Công an tỉnh Bắc Giang đang làm rõ 2 trường hợp có hành vi chuyển cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an sai quy định.

Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành làm việc với Hoàng Tuấn H (SN 1989, trú tại xã Thanh Luận, huyện Sơn Động) và Nguyễn Đức Y (SN 1990, trú tại thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên) để xác minh, làm rõ hành vi “Thu thập, sử dụng thông tin của tổ chức mà không được sự đồng ý theo quy định của pháp luật”.

Trước đó, khoảng cuối tháng 12/2022, do cần tiền chi tiêu cá nhân nên Hoàng Tuấn H đã vay tiền qua một số app trên điện thoại di động. Tuy nhiên, quá trình vay tiền, do chậm muộn chưa trả, Hoàng Tuấn H cùng người nhà, bạn bè bị các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ (sim rác) nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Thậm chí, Hoàng Tuấn H còn bị các đối tượng đòi nợ ghép ảnh vào các thông báo đòi nợ gửi cho bạn bè, người thân của mình.

Khoảng tháng 2, các đối tượng lạ liên tục gọi điện đòi nợ với tần suất nhiều hơn, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và uy tín của mình nên Hoàng Tuấn H đã tìm kiếm trên không gian mạng về cách khắc phục. Quá trình tìm kiếm, Hoàng Tuấn H thấy thông tin bài viết về việc chuyển hướng cuộc gọi đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an nên H nảy sinh ý định sẽ chuyển hướng mọi cuộc gọi lạ đến số của Bộ Công an để không bị làm phiền.

Thực hiện ý định trên, với điện thoại của mình, Hoàng Tuấn H thao tác bấm theo hướng dẫn trên mạng để chuyển cuộc gọi của các số máy lạ gọi vào số của mình đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiếp nhận, xử lý tin phản ánh qua đường dây điện thoại nóng.

Đối với Nguyễn Đức Y, Cơ quan Công an cũng đã xác minh, khoảng tháng 11/2022, thông qua một app cho vay tiền, Y đăng ký vay 5 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, mặc dù đã trả hết nhưng đến khoảng cuối tháng 1, Y liên tục bị các đối tượng sử dụng số điện thoại lạ (sim rác) nhắn tin, gọi điện đòi nợ. Do các đối tượng nhắn tin, gọi điện quá nhiều, Y đã sử dụng dịch vụ chuyển cuộc gọi của các số máy lạ gọi vào số điện thoại của Y đến số điện thoại đường dây điện thoại nóng của Bộ Công an làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiếp nhận, xử lý tin phản ánh qua đường dây điện thoại nóng.

Hà Nội chỉ còn 9 trung tâm đăng kiểm hoạt động

Dẫn thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, báo Giao thông cho biết, đến sáng 6/3/2023, tại Hà Nội, có thêm 1 trung tâm đăng kiểm 2932D tạm dừng hoạt động, nâng tổng số trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động trên địa bàn lên con số 22 trung tâm đăng kiểm.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chỉ còn 9/31 Trung tâm đăng kiểm đang còn hoạt động. Như vậy, chỉ còn 9 trung tâm đăng kiểm với 18 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, trung bình mỗi dây chuyền kiểm định được khoảng 60 xe/ngày, mỗi ngày tại Hà Nội hiện chỉ kiểm định được khoảng 1.080 xe/ngày, thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu kiểm định xe của người dân, gây ra tình trạng ùn tắc. quá tải đăng kiểm. Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc ùn tắc, quá tải đăng kiểm diễn ra trong tháng 3/2023 là điều Cục Đăng kiểm Việt Nam đã dự đoán từ trước khi theo chu kỳ kiểm định, nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại trong khi nhân sự đăng kiểm viên đang thiếu hụt nghiêm trọng và hàng loạt các trung tâm đăng kiểm đã đóng cửa.

Để duy trì hoạt động các trạm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động trong sáng 4/3 do thiếu nhân sự, được biết, đơn vị này đã nỗ lực vận động các đăng kiểm viên đã nghỉ việc quay trở lại phục vụ người dân. Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, mỗi dây chuyền kiểm định năng suất đạt khoảng 60 xe/ngày. Như vậy, với số dây chuyền hiện có, mỗi ngày Hà Nội chỉ kiểm định được 1.140 xe, một tháng kiểm định được 30.780 xe (đã trừ đi các ngày chủ nhật, trung tâm đăng kiểm nghỉ). Trong khi đó, số xe đến hạn kiểm định trong tháng này tại Hà Nội là 75.682 xe, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người dân.

Sáng nay, 3 trận động đất liên tiếp ở Kon Tum

Sáng nay (7/3), ba trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với độ lớn từ 2.6 đến 3.0. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, trận động đất đầu tiên xảy ra lúc 9h14 phút 52 giây với độ lớn 2.8 trên địa bàn huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum. Sau đó vào trưa nay, thêm hai trận động đất có độ lớn 2.6 và 3.0 tiếp tục xảy ra ở khu vực này. Đây đều là trận động đất nhỏ với rủi ro thiên tai ở cấp 0. Từ đầu tháng 2 đến nay, động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon PLông, Kon Tum. Nhiều ngày xuất hiện 2-3 trận động đất, phần lớn là các trận động đất có độ lớn dưới 3.5, ít khả năng gây rung chấn. Động đất tại Kon Plông, Kon Tum được Viện Vật lý Địa cầu nhận định là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích ở Kon Plông, Kon Tum xảy ra từ tháng 4/2021, đến nay với ghi nhận hàng trăm trận. Trong đó, trận động đất mạnh nhất có độ lớn 4.7, gây rung chấn cho nhiều tỉnh miền Trung.

Truy tố 10 cựu lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

Ngày 7-3, một nguồn tin cho biết VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Các bị can bị truy tố do gây thất thoát 22 tỉ đồng.

Theo hồ sơ, Ban lãnh đạo CNS có thống nhất trong việc sử dụng quỹ khen thưởng phục vụ công tác ngoại giao nên khi có đề xuất từ các phòng ban, ban giám đốc CNS và phòng kế toán đã không kiểm tra thông tin đối tượng được khen thưởng, thành tích, cơ sở để đưa ra mức khen thưởng.

Các bị can đã ký tờ trình, duyệt chi, phiếu chi, không kiểm tra lại việc sử dụng tiền chi thưởng, gây thất thoát hơn 17,3 tỉ đồng. Trong đó bị can Chu Tiến Dũng với tư cách tổng giám đốc đã trực tiếp duyệt chi 17,3 tỉ đồng từ quỹ CNS.

Ngoài ra, giai đoạn 2015-2016, CNS đã chỉ đạo người đại diện vốn xây dựng phương án thoái vốn để CNS phê duyệt và thực hiện. Tuy nhiên, việc làm này đã không thực hiện đúng các quy định pháp luật gây thất thoát gần 4,7 tỉ đồng thông qua 2 lần thoái vốn.

Đồng Tháp: Yêu cầu cam kết không dùng tiền để kết hoa

Ngày 7-3, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết Đoàn công tác liên ngành gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Đồng Tháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục quản lý thị trường; Cục thuế và Công an tỉnh đã đến khảo sát, tuyên truyền các cơ sở, cá nhân kinh doanh hoa trên địa bàn TP Hồng Ngự.

Đợt này, Đoàn công tác liên ngành chỉ kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền các cơ sở, cá nhân kinh doanh biết hành vi sử dụng tiền Việt Nam kết cấu thành hoa hay vật trang trí khác để bán làm quà lưu niệm, hay sao chụp tiền Việt Nam với bắt kì mục đích nào, nếu không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là không đúng quy định pháp luật.

Tại các nơi đến, Đoàn công tác cũng cho các cơ sở, cá nhân kí cam kết không vi phạm các nội dung trên; nếu cơ sở, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng về hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh: Khám xét trụ sở Công ty cổ phần Kinh doanh F88

Sáng 6/3, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an quận Gò Vấp thực hiện việc khám xét trụ sở của Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp). Trụ sở của công ty này đặt tại tầng 7 và 8 của tòa nhà với quy mô diện tích mỗi tầng chừng 600m2. Thời gian qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá các đường dây tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động núp bóng dưới hình thức các công ty để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Trong đó, các cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ án, khởi tố 26 bị can là các nhân viên của Công ty Tài chính về tội vu khống. Hình thức hoạt động của các công ty này là thành lập công ty kinh doanh tài chính, văn phòng luật sư, tuyển dụng hàng trăm nhân viên để thu hồi nợ thông qua thủ đoạn gọi điện, nhắn tin quấy rối, khủng bố tinh thần.

Cảnh báo Deepfake giả giọng, mặt người thân để lừa tiền đã xuất hiện tại Việt Nam

Nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội hiện nay đã cảnh giác với chiêu trò lừa đảo bằng tin nhắn nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng chiêu lừa đảo tinh vi hơn để vay tiền thông qua hình thức giả cuộc gọi video.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là lấy những video cũ của người dùng, cắt ghép hoặc dùng công nghệ deepfake để khi thực hiện hành vi lừa đảo sẽ phát lại video dưới hình thức mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu.

Trường hợp chị V.T.M, (26 tuổi, đang sinh sống tại Long Biên - Hà Nội) nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của một người thân bên nước ngoài nhắn đến Facebook với nội dung nhờ chuyển tiền vào một số tài khoản 75 triệu đồng. Lúc này, chị M nghĩ đây là người thân trong nhà nên không chần chừ chuyển tiền.

Chị M cho biết, Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền của người thân, bản thân cũng đã cẩn thận gọi video lại để kiểm tra xác thì thấy hình ảnh đúng là bạn mình. Chị M đã tin tưởng chuyển khoản luôn cho bạn vay. Nhưng đến tối, thấy trên trang cá nhân của người thân đăng bài thông báo việc bị kẻ gian hack nick facebook để hỏi vay tiền một số bạn bè và người thân. Chị M gọi điện lại cho bạn thì bạn mình xác nhận đấy chính là kẻ xấu lừa đảo

Khi chị M gọi xác nhận, phía đầu dây bên kia vẫn hiện lên khuôn mặt và giọng nói của người thân. Tuy nhiên, âm thanh rất khó nghe, hình ảnh cũng nhòe giống như sóng chập chờn, thế nhưng cách xưng hô hoàn toàn chính xác, đúng âm điệu và cách xưng hô.

Trước đó, dù đã được cảnh báo bởi các thông tin lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng nạn nhân không ngờ đến việc gọi video xác thực người nhà là cách an toàn nhất, cũng bị làm giả.

Theo các chuyên gia về công nghệ, phương thức của các đối tượng này thường là tìm kiếm thu thập thông tin cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội… để tạo ra một kịch bản lừa đảo. Khi nạn nhân cẩn thận sẽ gọi điện thoại hoặc video để kiểm tra thì chúng sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh để đánh lừa.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần có những cảnh báo với người dân cần đặc biệt cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo tinh vi này. Và khi có ai đó đề nghị mượn tiền, người dân cần thận trọng xác minh xem đó có phải là bạn bè, người thân của mình hay không.

Gần đây, các nạn nhân bị lừa đảo bằng các hình thức giả danh Facebook, hack Facebook để lừa tiền ngày càng có xu hướng gia tăng trên khắp cả nước. Các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn rất tinh vi, có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ thời điểm nào. Các đối tượng lừa đảo gọi cuộc gọi video call để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể giả làm nhân vật nào đó khi kết bạn hẹn hò qua mạng để phục vụ cho các kịch bản chúng chuẩn bị sẵn.

Công an các địa phương liên tục đưa ra những khuyến cáo với người dân, khi nhận bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Quảng Nam: Phá đường dây ghi bán số đề hơn 18 tỉ đồng

Sáng 7.3, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự vừa khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can về các tội danh tổ chức đánh bạc, đánh bạc, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Trước đó, ngày 24.2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các đơn vị chức năng và Công an TP.Đà Nẵng bắt quả tang và triệu tập những người liên quan đến hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc gồm: Bùi Anh Thùy Trâm (SN 1984, trú Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), Huỳnh Thị Kim Cúc (SN 1980, trú Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), Nguyễn Quốc Phong (SN 1986, trú thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình); Võ Văn Tường (SN 1971), Lê Thị Xuyến (SN 1977), Nguyễn Thị Thúy Hiền (SN 1988), cùng trú xã Bình An, huyện Thăng Bình và Huỳnh Ngọc Ẩn (SN 1985, trú xã Bình Phục, huyện Thăng Bình).

Công an xác định những người này bắt đầu tổ chức ghi bán số đề từ đầu năm 2023 đến khi bị bắt với tổng số tiền cá cược trên 18 tỉ đồng. Riêng trong ngày 24.2, đường dây này tổ chức cho nhiều người tham gia đánh bạc với tổng số tiền trên 600 triệu đồng.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện Thái Quang Công (SN 1988, trú xã Bình An, huyện Thăng Bình) ngoài tham gia đường dây tổ chức cá cược số đề nói trên còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt quả tang tại phòng số 305 của cơ sở kinh doanh karaoke Fivestar tại xã Bình Nguyên 7 người tổ chức và sử dụng trái phép chất ma túy. Cảnh sát đã tạm giữ 172 triệu đồng, 2 xe máy, 21 điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thái Quang Công về hành vi tổ chức đánh bạc và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; khởi tố Lê Trung Hiếu về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Các bị can Bùi Anh Thùy Trâm, Huỳnh Thị Kim Cúc, Nguyễn Quốc Phong và Võ Văn Tường bị khởi tố về hành vi tổ chức đánh bạc. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Bình Dương: Xử phạt chủ quán tự đặt lẵng hoa lấy tên lãnh đạo đặt ở quán cà phê ngày khai trương

Ngày 7-3, Công an huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh V (xã Định Thành), với số tiền 3.750.000 đồng. Theo cơ quan công an, anh V bị xử phạt vì hành vi “mạo danh người khác sử dụng dịch vụ bưu chính”. Chính anh V đã tự đặt một lẵng hoa mạo danh lãnh đạo Đảng, để chúc mừng quán cà phê của mình khi khai trương. Anh V thừa nhận làm vậy để quán cà phê mới mở của mình được chú ý vì có quen biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được quan tâm chúc mừng. Làm việc với cơ quan công an, anh V đã thừa nhận hành vi sai phạm và cam kết không tái phạm.

9 hang động nổi tiếng của Việt Nam được CNN vinh danh

Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, Hãng thông tấn CNN vừa vinh danh 9 hang động ở Việt Nam. Trong đó có 6 hang động ở Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng xứng tầm thế giới gồm hang Sơn Đoòng, hang Én, hang Va, hang Nước Nứt, hang Tú Làn, động Thiên Đường. Đồng thời, động Tam Cốc (Ninh Bình), hang Sửng Sốt, hang Luồn (Quảng Ninh) được CNN đánh giá đẹp kỳ lạ.

CNN trích lời một thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cho biết thêm: “Nhóm của tôi thuộc Hiệp hội Nghiên cứu hang động Anh đã khám phá hơn 500 hang động ở Việt Nam, nhưng chúng tôi mới chỉ khám phá được khoảng 30% diện tích này. Còn rất, rất nhiều hang động nữa sẽ được khám phá”.

Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới. Hang được hình thành khoảng 2-5 triệu năm trước. Hang có chiều rộng 150m, cao hơn 200m, chiều dài lên tới gần 9km. Ngoài ra ở một số đoạn, hang Sơn Đoòng còn có kích thước lớn tới có thể chứa lọt một tòa nhà cao 40 tầng. Hang có hai "giếng trời", đưa nắng chiếu vào, tạo điều kiện cho cây cối phát triển như một khu rừng nhiệt đới trong hang động.