Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Năm 2024, Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô, huyện Phú Lương đã vinh dự giành danh hiệu “Vua chuyển đổi số nông nghiệp lần thứ nhất năm 2024”. |
Năm 2024, Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô, huyện Phú Lương đã vinh dự giành danh hiệu “Vua chuyển đổi số nông nghiệp lần thứ nhất năm 2024” do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao tặng. Danh hiệu này đến từ sự tiên phong của anh Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc HTX trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất chè. Hợp tác xã hiện có 15ha chè, trong đó có 10ha chè VietGAP. Ngay từ những ngày đầu thành lập HTX, anh Tuấn bắt đã đầu tìm hiểu và đưa vào sử dụng nhật ký sản xuất điện tử Facefarm. Đây là một ứng dụng số giúp người dùng quản lý, truy xuất nguồn gốc, quy trình, chất lượng sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác.
Anh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Sản phẩm của HTX sẽ được gắn QR Code, khi mà chúng ta thực hiện các bước cập nhật dữ liệu đầu vào trên phần mềm Facefarm thì sẽ xuất một mã QR; mỗi sản phẩm sẽ có một mã; thời gian tới, hợp tác xã đã có kế hoạch lắp đặt thêm những mắt camera trực tiếp ở các vườn để thực hiện việc giám sát và hỗ trợ trong truy xuất nguồn gốc phục vụ dữ liệu đầu vào".
Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Phú Thượng triển khai thành công kỹ thuật trồng na rải vụ. |
Sau khi triển khai thành công kỹ thuật trồng na rải vụ, với tổng diện tích khoảng 5ha, giá bán thương phẩm đã cao gấp hai lần na chính vụ. Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Phú Thượng ở huyện Võ Nhai còn tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm na rải vụ trên các nền tảng số để tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, làm giàu cho các thành viên.
Ông Kiều Thượng Chất, Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp Phú Thượng cho hay: "Chúng tôi đã được tập huấn những cách chuyển đổi số và quảng cáo sản phẩm ở trên nền tảng số, thông qua việc chuyển đổi số sản lượng bán hàng được nhiều hơn và bán được xa hơn, giá cao hơn so với bán ngoài chợ".
Nhờ áp dụng chuyển đổi số, doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20% - 50%. Tỉnh phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 30 HTX trở lên; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX hằng năm tăng từ 10% trở lên... Ðể đạt các mục tiêu trên, cùng với xây dựng, thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên tiếp tục đầu tư nguồn lực hỗ trợ các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, HTX sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi các hợp tác xã mới ra đời, chúng tôi thường tổ chức ngay lớp tập huấn để mời các hợp tác xã, các kế toán lên để hướng dẫn, đào tạo phương án sản xuất, kinh doanh và hướng đi như thế nào cho phù hợp với đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh. Đặc biệt, chúng tôi quan tâm đến việc chuyển đổi số các hợp tác xã; hiện nay, hợp tác xã nào mà không áp dụng chuyển đổi số thì sẽ tụt hậu, chúng tôi cũng hỗ trợ phát triển hợp tác xã cho vay vốn với mức lãi suất ưu đãi".
Phát huy vai trò, vị thế của kinh tế tập thể sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị nông sản, hướng đến phát triển kinh tế số nông nghiệp./.