Thủ tướng Đức bất ngờ coi Mỹ là đối thủ của châu Âu
Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: Reuters) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Đức Süddeutsche Zeitung, Thủ tướng Merkel nhận định rằng trật tự toàn cầu hậu Thế chiến 2 được xây dựng trong hơn 70 năm qua, đã kết thúc. Bà cũng nói coi Trung Quốc, Nga và Mỹ là đối thủ của châu Âu.
Bà Merkel, người đã làm Thủ tướng Đức từ năm 2005 và lãnh đạo đảng trung hữu CDU từ năm 2000-2018, nhận định quan hệ liên minh ngoại giao và quân sự mạnh mẽ giữa EU và Mỹ trước đây đang có dấu hiệu lung lay.
“Không có gì phải băn khoăn khi nói rằng châu Âu cần phải định vị lại chính mình trong một thế giới nhiều sự thay đổi. Những trật tự cũ hậu chiến tranh đã không còn được áp dụng”, bà Merkel nói.
Theo Guardian, bà Merkel cho rằng Mỹ, Nga và Trung Quốc “đang hết lần này tới lần khác ép buộc chúng ta (châu Âu) phải tìm ra lập trường chung với họ”.
Thủ tướng Đức cho rằng sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã thay đổi trật tự toàn cầu về liên minh trên thế giới và điều này mang lại những rủi ro nhất định cho EU nếu họ không thay đổi để thích nghi. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng chủ nghĩa trên chính là nguyên nhân đằng sau những sự kiện địa chính trị quan trọng như việc Anh muốn rời EU, ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ hay sự trỗi dậy của các lãnh đạo dân túy trên khắp châu Âu.
Chưa đầy 3 năm trước, Mỹ là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Đức. Bà Merkel khi đó hợp tác rất ăn ý với cựu Tổng thống Barack Obama. Họ không chỉ cùng quan điểm về những chính sách kinh tế và đối ngoại mà còn là bạn bè của nhau ở ngoài đời.
Tuy nhiên, kể từ sau khi ông Trump lên nắm quyền, quan hệ giữa 2 đồng minh thân cận dường như đã xuất hiện nhiều khúc mắc. Ông Trump liên tục chỉ trích Đức về vấn đề nhập cư, thương mại, đóng góp ngân sách quốc phòng cho NATO.
Tháng 5/2017, bà Merkel từng tuyên bố: “Thời điểm phụ thuộc vào người khác đã qua. Chúng ta, châu Âu, cần phải tự làm chủ vận mệnh của mình”.
Theo bà Merkel, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng địa chính trị trên toàn cầu và sức mạnh quân sự của Nga và Trung Quốc ngày càng được củng cố, các nước châu Âu cần phải đoàn kết để bảo vệ những giá trị tự do và các nguyên tắc mà họ theo đuổi.