Thủ tướng chỉ đạo chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí
Kết luận phiên họp chiều 30/8, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, giúp 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017 có thể hoàn thành, thậm chí có 8 chỉ tiêu có thể vượt kế hoạch.
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý, hiện mới là hết tháng 8, do đó từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành phải hết sức tập trung, sát sao thì mới đạt kế hoạch cả năm. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, không chủ quan, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục rà lại từng chỉ tiêu, phấn đấu quyết liệt thực hiện nhiệm vụ.
Phiên họp Thường kỳ Chính phủ |
Về nhiệm vụ trước mắt, với thực tế thủ tục hành chính còn bất cập, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nêu thực trạng, Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cấp dưới chưa đồng hành, một bộ phận còn “hành” doanh nghiệp.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm khắc phục tình trạng này. Các bộ, các đơn vị thuộc bộ, các địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Để tạo thuận lợi cho sản xuất và tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cụ thể giảm tiếp 0,5% từ nay đến cuối năm. Cùng với đó phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng khoảng 21%.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo giải ngân vốn xây dựng cơ bản và vốn ODA. Với việc đến nay vốn phân bổ mới đạt 90%, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn theo Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ cần thanh tra công vụ đối với những đơn vị trực tiếp sử dụng vốn đầu tư công để xác định trách nhiệm, tăng cường kỷ cương.
Cùng với việc chỉ đạo Bộ Tài chính siết chặt kỷ luật tài chính, thực hiện tiết kiệm chi để làm đà cho năm 2018, Thủ tướng yêu cầu trước mắt chưa đặt vấn đề tăng các loại thuế, phí.
“Trên tinh thần năm nay là năm giảm giảm thuế, phí, nên trước mắt chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Thủ tướng cũng khẳng định: “Chuyện đề xuất tăng thuế VAT thì phải phân tích tác động, cách làm, những điều kiện cụ thể để nhân dân biết tác hại, thời điểm, mức, lộ trình rõ ràng. Thậm chí điều chỉnh một số mặt hàng. Như một số đồng chí phát biểu, một số mặt hàng phải tăng lên như thuốc lá, rượu, bia, còn một số mặt hàng chưa hẳn là tăng đồng đều như thế. Người dân rất quan tâm chuyện này. Phải rất thận trọng vấn đề này vì ảnh hưởng đến giá thành, giá bán tất cả các lĩnh vực và ảnh hưởng đời sống nhân dân”.
Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát lại việc sử dụng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, kiên quyết không để tiêu cực, lợi ích nhóm trong việc bán, chuyển mục đích sử dụng đất. Tại cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới thì phải trả lại trụ sở cũ; yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đôn đốc và báo cáo Thủ tướng.
Về xuất nhập khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rà soát đánh giá việc thực hiện các FTA, nhất là với các đối tác đang triển khai và nghiên cứu một số đối tác thương mại mới. Cùng với đó là thực hiện quyết liệt các giải pháp xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước.
Đối với phát triển nông nghiệp, phòng chống thiên tai, Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp đảm bảo tăng trưởng 3,05% theo kế hoạch và xuất khẩu 35 tỷ USD nông sản; chấn chỉnh tình trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà không hiệu quả. Chấm dứt tình trạng phân bón giả, chất lượng kém tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được.
Cho rằng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trong đó có du lịch mà sơ xuất 1 tháng không đạt thì khó đạt chỉ tiêu 6,7%, Thủ tướng báo động và cho rằng du lịch phải đạt 15 – 17 triệu khách.
Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và thành phố Hà Nội có trách nhiệm thúc đẩy dập dịch sốt xuất huyết, dịch chân tay miệng; chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu thuốc, làm ngay việc tập trung đấu thầu thuốc, tránh giá thuốc tăng cao, không kiểm soát nhất là biệt dược.
Từ vụ án VN Pharma, Thủ tướng cho rằng, đây cũng là dịp để chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. Thủ tướng cho rằng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng thanh tra việc cấp phép về một số nội dung hoạt động, về vấn đề nhập khẩu thuốc để làm rõ và trả lời dư luận, thể hiện sự nghiêm túc với sức khỏe nhân dân, nâng cao trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ Giáo dục đào tạo chỉ đạo chuẩn bị tốt điều kiện cho khai giảng năm học mới, nhất là các vùng chịu thiệt hại do bão lũ vừa qua, không để xảy ra tình trạng lạm thu, đẩy giá vật dụng ngành giáo dục, hoặc tình trạng học sinh không đến trường vì không có tiền đóng học phí.
Quyết liệt chống thất thu, nuôi dưỡng nguồn thu
Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đánh giá tình hình, kết quả năm 2017 rõ ràng hơn, phân tích bối cảnh trong nước quốc tế, nhất là xem xét các mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể. Trong đó phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo tinh thần đổi mới, tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
Rút kinh nghiệm năm 2017, Thủ tướng cho rằng, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến và đã thống nhất đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 là khoảng 6,5%. Cùng với tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.
Chính vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội.
Trong đó về đầu tư xây dựng cơ bản 2018 và ba năm tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chuẩn bị. Thủ tướng nhấn mạnh, các chỉ tiêu đưa ra phải có cơ sở vững chắc và phải nhìn toàn cục nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn về tài chính. Trong đó, cần chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chuyển mạnh số hộ từ thuế khoán sang kê khai thuế. Cần thể hiện rõ hơn tinh thần là tái cơ cấu ngân sách mạnh mẽ, tăng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, giảm mạnh chi thường xuyên, với nhiều hình thức tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi, xã hội hóa nguồn lực…
Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mức bội chi ngân sách. Hiện Bộ Tài chính đề nghị bội chi 3,7% GDP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mức 3,5%. Thủ tướng cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu phương án bội chi 3,7% GDP để có nguồn thu cho phát triển./.