Thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp
Người trồng màu ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ vừa chuyển đổi sang trồng đỗ cô ve và cà chua có định hướng

Những năm gần đây, nhiều hộ trồng cà chua của xã Huống Thượng đã phá giàn để chuẩn bị cấy sớm vụ chiêm xuân do không tiêu thụ được. Không chỉ cà chua, hàng loạt nông sản của bà con nơi đây cũng rơi vào tình trạng mất giá, thậm chí không tiêu thụ được. Trong thực tế, những giàn cà chua nếu được chăm sóc tốt và đúng chu kỳ thì sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tháng sau khi có lứa quả đầu tiên. Tuy nhiên, do không tiêu thụ được nên bây giờ người nông dân đành phá đi, trồng các loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Minh Hải, xóm Huống Trung, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên phản ánh: “Trước tết, chúng tôi đã không bán được. Bà con chở ra chợ rồi lại mang ra ruộng rải. Bởi vì, quả cà chua nếu có lợn thì còn để chăn được. Nhưng do vừa rồi dịch bệnh nên cũng không có lợn để chăn. Mọi năm cây súp lơ, bắp cải rất đắt hàng, năm nay thì 10.000Đ/4 cây. Hầu như những bà con dựa vào rau màu năm nay thì đều không có thu nhập”.

Ngoài nguyên nhân do tác động của dịch COVID-19 thì việc nông dân ồ ạt các loại nông sản giống nhau khiến nông sản rơi vào tình trạng “được mùa” thì lại mất giá hàng loạt. Sản xuất theo phong trào, không có kế hoạch nên nông sản phụ thuộc vào thị trường, xuống giá là điều cứ lặp lại hết lần này tới lần khác.

Bà Nguyễn Huyền Sâm, cán bộ khuyến nông xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Sau vụ cà chua này thì một số hộ gia đình đã chuyển sang canh tác các loại đỗ, rau ăn lá. Số hộ còn lại sẽ chuyển đổi sang cấy vụ chiêm”.

Thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp
Định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, có kế hoạch, thời vụ cụ thể sẽ giúp người nông dân không phải khổ sở vì cảnh "được mùa, rớt giá"

Tuy nhiên, khi mà nhiều nơi nông dân trồng cà chua đang khổ sở vì rớt giá thì bà con nông dân ở Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ lại vừa thắng đậm vụ dưa chuột vừa qua.

Chị Lăng Thị Hai, xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ phấn khởi cho biết: “Nhà mình trước kia trồng súp lơ. Sau đó, muốn cải tạo đất nên trồng dưa chuột. Với 4 sào thì năm vừa rồi gia đình thu được 35 triệu đồng”.

Ở thời điểm này, khi mà cà chua đang rớt giá thì người trồng màu ở xã Nam Hòa mới bắt đầu đang chuyển sang trồng đỗ cô ve và cà chua. Và rất có thể, thời gian nữa, tầm 3 tháng nữa thôi, khi 2 loại rau màu này lại được giá thì bà con xã Nam Hòa đã có sản phẩm bán ra thị trường.

Để có được kết quả này là do từ năm 2019, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Nam Hòa đã được thành lập. Đến nay, gần 10 ha rau chuyên canh của nông dân các xóm đã được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Gap, có kế hoạch, thời vụ cụ thể. Sản xuất định hướng hướng theo hình thức chuyên canh nhưng không làm ồ ạt mà đa dạng hóa sản phẩm, định hướng đến cả việc sản xuất trái vụ theo nhu cầu thị trường.

Ông Đỗ Ngọc Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Khi có định hướng và sự hỗ trợ của Nhà nước đưa các dự án khác vào cho bà con thì cơ bản bà con đã nhận thức và tập trung vào làm. Khi có hiệu quả, người dân rất tích cực trong quá trình phát triển”.

Xã Nam Hòa là địa phương mới hoàn thành Chương trình 135 cách đây không lâu, dân cư ở xã cũng đa phần là đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất với hình thức hợp tác xã bước đầu thành công là minh chứng cho việc sản xuất nông nghiệp có thể làm giàu, thành công khi người dân tư duy trên chính mảnh đất của mình./.