Thảm hại điểm chuẩn sư phạm: Đổi mới sẽ gặp khó!
Như Dân trí đã phản ánh, trái ngược với việc nhiều trường y, quân đội, công an có mức điểm trúng tuyển rất cao, thậm chí 29 điểm vẫn có khả năng trượt đại học thì khối các trường ĐH có đào tạo ngành sư phạm điểm chuẩn ở mức thấp kỉ lục.
Trong số các trường đầu ngành đào tạo giáo viên trong cả nước chỉ những trường đại học sư phạm trọng điểm như trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP HCM có điểm trúng tuyển dao động ở mức từ 17 - 20 điểm thì hầu hết các trường sư phạm còn lại điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Thậm chí, ở khối trường cao đẳng sư phạm địa phương, nhiều trường có mức trúng tuyển là 9-10 điểm, đã bao gồm điểm cộng. Như vậy, thí sinh chỉ cần được 3 điểm mỗi môn là trúng tuyển.
Cần có chính sách đãi ngộ khác biệt đối với đội ngũ giáo viên hiện nay |
Thảm hại sư phạm Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Đinh Quang Báo nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phải thốt lên: "Điểm chuẩn các trường sư phạm thấp chỉ bằng điểm sàn của bộ đó là một thảm hại. Mọi sự thành công của nền giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải giỏi thì chất lượng giáo dục của quốc gia ấy mới tốt được".
GS Báo cho rằng, giáo viên muốn có chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng nhất là đào tạo và bồi dưỡng. Muốn đào tạo bồi dưỡng tốt thì đầu vào phải chất lượng phải cao. Chất lượng đào tạo đầu vào không cao thì đào tạo ra sản phẩm không bao giờ cao.
"Nếu điểm sàn vào trường sư phạm thấp như vậy thì chúng ta phải có đột phá về chính sách. Đó là kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển. Ví dụ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore... các nước có nền giáo dục phát triển này đã rút ra một kinh nghiệm xương máu là phải đầu tư vào giáo viên. Để chọn được người giỏi nhất phổ thông thì phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng" - GS Báo nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, so với các ngành công an, quân đội điểm chuẩn cao mà điểm đầu vào trường sư phạm thấp như vậy đúng là thảm hại, rất gay cho ngành sư phạm. Thầy giáo mà dốt thì học trò cũng dốt. Muốn thầy giáo giỏi thì trước hết phải đào tạo người giỏi và lúc đó học sinh phổ thông mới giỏi.
GS Dong băn khoăn, tại sao những trường đại học hiện đại hóa nhanh thế mà các trường sư phạm lại chậm đổi mới, kém về mặt công nghệ, đào tạo lạc hậu. Vừa đào tạo yếu, sinh viên ra trường lại thất nghiệp nhiều.
"Đáng lý ra, nhà nước mình phải có đầu tư cho sư phạm, và phải có chiến lược đào tạo sư phạm. Nhà nước phải có chủ trương về đào tạo sư phạm thì mới lôi cuốn người giỏi vào học. Phải có chính sách để đào tạo giáo viên xong không để cho thất nghiệp, bố trí việc làm ngay thì mới tạo ra được lòng tin cho giới trẻ" - GS Dong nhấn mạnh.
Phải có chính sách đãi ngộ nếu không khó "ngóc" lên được
Trao đổi với PV Dân trí, giáo viên Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội thì cho biết, trong bối cảnh ngành giáo dục đang đổi mới, chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định. Điểm chuẩn thấp dẫn đến chất lượng giáo viên kém, khó tiếp cận cái mới, cái tiến bộ. Đổi mới sẽ gặp khó, khả năng thất bại cao.
"Năng lực của giáo viên kém thì chất lượng đào tạo cũng kém theo, đầu ra kém dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực cũng đi xuống" - ông Tùng nhấn mạnh.
Giáo dục vẫn được coi là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Điểm chuẩn thấp dẫn đến việc đầu tư cho giáo dục không còn được như trước? Ảnh hưởng đến các chính sách và quan niệm.
Hình ảnh người thầy không còn được như trước dẫn đến hiệu ứng xấu đi trong việc giáo dục và đào tạo.
Chính vì vậy, thầy giáo Tùng cho rằng nguyên nhân hàng đầu là do lượng giáo viên thất nghiệp đang ở tỉ lệ rất cao. Lượng giáo viên trong biên chế đang dư thừa. Trung bình cứ 2 người về hưu mới có 1 người mới vào. Bên cạnh đó, việc tuyển vào biên chế ngành giáo dục rất khó khăn, phức tạp và tốn kém. Giáo viên ra trường phải chờ đợi rất lâu, chỉ tiêu cũng không phản ánh đúng nhu cầu thực tế (Nơi thiếu vẫn bảo thừa, nơi thừa vẫn tuyển thêm như đang thiếu)
Thầy giáo Tùng cho hay, chế độ đãi ngộ với nhà giáo vẫn ở mức thấp. Lương giáo viên THPT mới ra trường khoảng 3 triệu trong khi, với những ngành khác, sinh viên ra trường thường làm với mức lương 7, 8 triệu trở lên. Trong khi đó, công việc của nhà giáo là phức tạp và vất vả, tốn nhiều thời gian. Giáo viên hầu như không làm thêm được việc gì khác.
Một nguyên nhân quan trọng nữa theo thầy Tùng có thể là vấn đề tâm lý. Vừa rồi, Bộ rục rịch đưa ra ý kiến bỏ biên chế giáo viên, điều này làm cho học sinh không yên tâm khi đăng ký sư phạm. Thế mạnh của ngành sư phạm là sự ổn định, nếu việc bỏ biên chế được áp dụng, ngành sư phạm đương nhiên không còn hấp dẫn nữa.
Để khắc phục được thực trạng này, thầy Tùng kiến nghị: "Trước hết giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Không nên tuyển sinh ồ ạt, tuyển sinh bằng mọi giá. Sáp nhập các trường sư phạm. Chỉ để lại các trường có thế mạnh, có đủ điều kiện đào tạo đáp ứng đượng nhu cầu đổi mới. Tăng đãi ngộ với giáo viên (ngang với ngành công an, quân đội)".
Theo GS Phạm Tất Dong, ngành sư phạm phải tập trung những nhà khoa học giỏi vào giảng dạy. Đặc biệt, trường sư phạm phải đi đầu trong các công nghệ. Sư phạm cần phải có đổi mới quyết liệt về chương trình, chính sách và phải có đầu tư thích đáng. Nếu để như hiện nay thì ngành sư phạm không "ngóc" lên được. Do đó, phải có chính sách khác đối với sư phạm.
Đặc biệt, đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Dong cho rằng, đào tạo giáo viên phải đi trước một bước. Đào tạo giáo viên chương trình nào thì ra dạy chương trình đó thì mới đáp ứng được yêu cầu.