Cần thêm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên cho các nhà trường
Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị nghiên cứu tổ chức các công tác cho giáo viên theo hình thức thuê khoán phải đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Tính đến ngày 31/8/2020, tổng số giáo viên định mức khoán đã thực hiện là trên 19.000, trong đó lớn nhất tại cấp mầm non và tiểu học với trên 10.000 định mức. Thực hiện Nghị quyết 08, UBND tỉnh đã hỗ trợ chi trả kinh phí trên 270 tỷ đồng, qua đó giúp ngành giáo dục tháo gỡ nhiều khó khăn trước tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng trong những năm trước đó.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề sử dụng lao động theo hình thức khoán công việc, do vậy tính chất công việc không ổn định, không thu hút được giáo viên chất lượng cao; kinh phí thuê khoán còn hạn chế, nghị quyết không quy định chi trả cho các hoạt động đào tạo, tập huấn vì vậy chất lượng giáo viên còn hạn chế.

Khắc phục những tồn tại này, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục kiến nghị với Trung ương về vấn đề tinh giản biên chế trong ngành giáo dục cần được thực hiện theo lộ trình và tính chất từng vị trí và khu vực công tác để đảm bảo biên chế giáo viên phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo tại địa phương, cần nghiên cứu cơ chế chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cơ bản của giáo viên thuộc diện khoán định mức.

Khẳng định “có thầy giỏi mới có trò giỏi”, đại diện Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề nghị các đơn vị nghiên cứu tổ chức công tác bồi dưỡng chuyên môn, sinh hoạt Đảng, đoàn thể cho giáo viên theo hình thức thuê khoán đảm bảo chất lượng giảng dạy tại các nhà trường, đoàn sẽ sớm hoàn thiện báo cáo giám sát, kiến nghị tới các cơ quan liên quan và làm cơ sở để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian sớm nhất./.