Thái Nguyên với cuộc vận động "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam"
Được biết đến là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với các kỹ thuật vượt tuyến, cùng tuyến đạt số lượng hơn 60 dịch vụ kỹ thuật, Bệnh viện A Thái Nguyên đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân Thái Nguyên cũng như vùng lân cận. Với những thành tựu nổi bật đó, năm 2015, Bệnh viện sử dụng đến trên 35% thuốc nội và đến năm 2016, con số này đã lên đến gần 50%. Dược sĩ Dương Thị Mến, Phó Chủ tịch Hội đồng thuốc, Trưởng Khoa Dược Bệnh viện cho biết "Việt Nam chúng ta sản xuất thuốc tốt, chất lượng tốt, tuy nhiên có thể thấy, một phần do thói quen, hoặc công tác truyền thông đôi khi còn chưa được chú trọng, nên có thời gian dài, người Việt lại chỉ thích dùng thuốc Ngoại. Đối với Bệnh viện A, chúng tôi tuyên truyền đến từng người bệnh, chấp hành nghiêm các quy định về đấu thầu thuốc, trong đó đủ tỉ lệ thuốc nội theo mục tiêu. Và theo tôi, quan trọng hơn cả, là người bệnh họ sẽ tự kiểm nghiệm qua quá trình điều trị bệnh bằng các loại thuốc đã dùng. Theo đó, năm 2017 và những năm tiếp theo, Bệnh viện sẽ tiến tới sử dụng từ 55 đến 60% thuốc nội" .
Tỉ lệ sử dụng thuốc nội trong điều trị bệnh tại Bệnh viện A Thái Nguyên luôn chiếm tỉ lệ khá cao trên tổng số thuốc sử dụng của Bệnh viện |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 34 đơn vị trực thuộc ngành Y tế, 6 đơn vị y tế đóng chân trên địa bàn, trong đó có 3 bệnh viện tư nhân cùng 9 trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố. Thực hiện Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ngành Y tế đã tổ chức phát động thực hiện Cuộc vận động xây dựng kế hoạch và tiêu chí phấn đấu tới tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Theo đó, các hội đồng thuốc và điều trị trong các bệnh viện đều tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu điều trị hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Đề án là tăng từ 2- 4% tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam trên tổng số tiền thuốc sử dụng tại bệnh viện. Đặc biệt, bên cạnh việc chú trọng từ khâu xây dựng danh mục thuốc để đấu thầu, nhập thuốc đến kê đơn sử dụng thuốc, ngành Y tế đã quán triệt tới các cơ sở y tế trong kiểm soát việc bác sĩ kê đơn điều trị cho người bệnh, lựa chọn ưu tiên thuốc sản xuất trong nước. Theo đó, hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã sử dụng trên 50% sản phẩm thuốc của Việt Nam. Đây là một con số đáng mừng, minh chứng cho hiệu ứng cũng như kết quả bước đầu của Cuộc vận động “Người Việt dùng thuốc Việt” tại Thái Nguyên.
Chị Nguyễn Ngọc Vân, Xã Quyết Thắng, Thành phố Thái Nguyên nói "Trước đây, hầu hết gia đình tôi chỉ sử dụng thuốc ngoại. Nói đến thuốc nội, tôi nghĩ chỉ chữa được các bệnh hàng ngày như hắt hơi, xổ mũi. Tuy nhiên, sau một lần phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện, được sự tư vấn của các bác sĩ, tôi có sử dụng một số sản phẩm thuốc của Việt Nam và thấy bệnh thuyên giảm rất nhiều. Từ đó, tôi tin và dùng sản phẩm thuốc của Việt Nam".
Qua việc khẳng định chất lượng, thuốc Việt Nam đã và đang được nhiều người dân tin dùng |
Theo con số thống kê, đến hết năm 2015, cả nước có gần 200 nhà máy đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới,” doanh thu sản xuất trong nước ngày càng tăng. Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc (về giá trị tiền thuốc sử dụng); đã sản cuất được 10/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng…Chính vì thế, thuốc nội đã và đang được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng thay thế cho những loại thuốc ngoại đắt tiền. Tuy nhiên, trước khó khăn khi các sản phẩm được sản xuất trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu thì không chỉ có sản phẩm thuốc mà các sản phẩm nội địa khác cũng phải tăng tính cạnh tranh mạnh mẽ.
Ông Đặng Ngọc Huy, Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết ""Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" là cuộc vận động hết sức có ý nghĩa. Thời gian tới, bên cạnh việc giao ban định kỳ hàng tháng trong toàn ngành y tế, tổ chức Hội nghị tập huấn công tác đấu thầu thuốc…, ngành sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền không chỉ dừng ở các đơn vị trực thuộc mà triển khai đến mạng lưới bán buôn, bán lẻ, sản xuất thuốc thông qua Hội nghị tập huấn hành nghề Dược; các bài viết trên Trang Thông tin của Sở Y tế và Website ngành y tế… nhằm giúp cho các cơ sở hành nghề dược hiểu rõ mục đích cao cả của cuộc vận động để hưởng ứng. Thông qua họ sẽ là cầu nối đưa thông tin các thuốc Việt Nam đến người tiêu dùng".
Thành công bước đầu trong triển khai Đề án tại Thái Nguyên cho thấy sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, đặc biệt là sự gắn kết giữa nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Hy vọng, cùng với các chủ trương của Đảng và Nhà nước, Đề án sẽ tiếp tục được duy trì và khẳng định sự phát triển của một sản phẩm mà bây lâu được dư luận hết sức quan tâm./.