Thái Nguyên tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn
Nhiều công trình nước sạch được đầu tư để nhân dân vùng sâu, vùng xa có nước sạch để sinh hoạt

Nếu như trước đây, đa phần người dân ở xã Ký Phú, huyện Đại Từ phải dùng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh từ những chiếc giếng khơi thì nay đã khác, năm 2016, được đầu tư Công trình cấp nước sinh hoạt liên xã, hơn 1.700 hộ ở xã Ký Phú và xã Vạn Thọ đã có nguồn nước sạch, đảm bảo để sinh hoạt. Không chỉ vậy công trình này còn đóng góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - đời sống và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thái Nguyên tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn
Ông Dương Đức Thật, xóm Đặn 1, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Ông Dương Đức Thật, xóm Đặn 1, xã Ký Phú, huyện Đại Từ cho biết: Trước sử dụng toàn giếng khơi, khi múc lên thì nó rất là ô nhiễm, mùi rất khó chịu, từ khi có nước sạch của nhà nước thì đời sống của người dân thay đổi rất nhiều.

Thái Nguyên tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn
Ông Dương Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú, huyện Đại Từ

Ông Dương Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú, huyện Đại Từ khẳng định: Đối với nội dung xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí về nước sạch này nó nằm ở tiêu chí số 18 là liên quan đến chất lượng môi trường sống, tại xã Ký Phú đối chiếu với các tiêu chuẩn tiêu chí trong bộ tiêu chí về nông thôn mới nâng cao thì về tiêu chí nước sạch ở xã Ký Phú đều đạt và vượt

Thái Nguyên là tỉnh có địa hình và phân bổ dân cư tương đối đa dạng do vậy việc đầu tư và vận hành các công trình nước sinh hoạt ở các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng gặp phải những khó khăn nhất định, mặt khác trong điều kiện biến đổi của khí hậu hiện nay, việc duy trì, vận hành hiệu quả và hợp lý hệ thống công trình dân sinh tất cả các địa phương đòi hỏi sự nỗ lực đến từ cả cơ quan chủ quản và người dân.

Thái Nguyên tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn
Ông Dương Văn Đường, xóm Đặn 2, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên

Ông Dương Văn Đường, xóm Đặn 2, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Như nhà tôi là sinh hoạt tất cả là từ khi không dùng nước giếng nữa thì hết khoảng 100.000 đồng/tháng thì thấy như thế nó cũng phù hợp với cái mức thu nhập của người nông dân nông thôn.

Thái Nguyên tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn
Ông Trần Trung Dũng, Phó trạm trưởng Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn Thái Nguyên

Ông Trần Trung Dũng, Phó trạm trưởng Trạm Dịch vụ quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn Thái Nguyên cho biết: Đơn vị chủ đầu tư cũng đã tiến hành khảo sát các nguồn các loại hình nguồn nước để có thể sử dụng cho công trình, khi mà khảo sát được nguồn nước mặn sử dụng cho công trình là khe suối tự chạy và đủ lưu lượng cấp cho công trình thì chủ đầu tư quyết định thực hiện xây dựng công trình trên hệ thống tự chảy, đảm bảo tiết kiệm được chi phí trong quá trình quản lý vận hành.

Triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, đến năm 2025 toàn tỉnh có 98% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên được tỉnh Thái Nguyên giao đầu tư 23 công trình thuộc dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó đầu tư mới 6 công trình, sửa chữa và nâng cấp 17 công trình với tổng vốn đầu tư 108 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Trong năm 2023 đơn vị đã khởi công 16 công trình và năm 2024 sẽ khởi công các công trình còn lại. Khi các công trình này hoàn thành, sẽ có thêm 11 nghìn hộ được cấp nước sạch.

Thái Nguyên tăng cường cấp nước sinh hoạt nông thôn
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thái Nguyên cho biết: Tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm đến đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Trong dự án giai đoạn 2022 -2025 thì UBND tỉnh quyết định đầu tư 100% ngân sách và không có tỷ lệ người dân phải đối ứng để xây dựng. Trung tâm cũng đã rất tích cực phối hợp với các địa phương để rà soát, tham mưu xây dựng về quy hoạch hệ thống cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại tất cả các công trình trong dự án đã được khởi công xây dựng, một số công trình đã triển khai đến 90% khối lượng công việc.

Cùng với sự nỗ lực thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh Thái Nguyên cũng tiến hành rà soát các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, qua đó chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, nâng cao khả năng lực quản lý, vận hành công trình tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước hiệu quả nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư./.