Thái Nguyên: Hướng đến chăn nuôi bền vững
Chăn nuôi hiện chiếm tỷ trọng gần 50% cơ cấu nội ngành Nông nghiệp của tỉnh. |
Là địa phương có thế mạnh và giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lớn nhất trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, hầu hết các hộ chăn nuôi, hợp tác xã trên địa bàn huyện Phú Bình đều tham gia vào chuỗi liên kết giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, giúp người tiêu dùng được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, góp phần làm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của bà con.
Anh Nguyễn Văn Khôi, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình chia sẻ: "Từ lúc vào hợp tác xã, đầu ra sản phẩm ổn định hơn, dễ hơn so với chăn nuôi theo hộ nhỏ lẻ".
Tỉnh đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và trang trại quy mô lớn để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. |
Cùng với nỗ lực của người chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tập trung thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi, trong đó phải kể đến việc quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và trang trại quy mô lớn để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP Phổ Yên cho hay: "Chúng tôi triển khai đến những trang trại chăn nuôi đảm bảo đủ điều kiện hướng dẫn chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, chăn nuôi an toàn, chăn nuôi hữu cơ; từ đó, định hướng, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất chế biến thực phẩm liên kết với các trang trại đó để tăng cường sự liên kết giữa người chăn nuôi với người sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố".
Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình thông tin: "UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, hướng dẫn các HTX hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, HTX với quy mô lớn, có đầu vào ổn định để mở rộng phát triển thị trường trong thời gian tới".
Những năm qua, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi là một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh chú trọng. Cùng với đó, Thái Nguyên cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, trang trại. Tuy nhiên, trong tổng số trên 720 trang trại chăn nuôi, toàn tỉnh mới có trên 100 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGap. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao do nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh còn hạn chế.
Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững và phát triển ổn định thì rất cần những giải pháp đồng bộ, linh hoạt và sát với thực tế. Trong đó, quan trọng nhất là việc chăn nuôi an toàn sinh học hướng đến xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường./.