Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện đang quản lý vận hành khai thác và bảo vệ trên 1.200 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có hơn 350 hồ chứa thuộc các huyện, thành phố, thị xã quản lý với mức nước đạt 80 - 100%; 79 công trình do Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi trực tiếp quản lý bảo vệ và hiện nay đều có dung tích 90% trở lên. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có gần 250 trạm bơm và trên 500 đập dâng các loại, cùng gần 50 km hệ thống đê điều.

Để chủ động đối phó với cơn bão số 7, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật diễn biến của bão, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan; chủ động rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập; thực hiện tiêu thoát nước chống ngập úng đối với sản xuất nông nghiệp và tại các khu đô thị, khu dân cư; chủ động rà soát, di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm, sẵn sàng phương án sơ tán khi có nguy cơ ảnh hưởng của bão; chủ động phương án đối phó với mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực vùng núi…

thai nguyen chu dong ung pho voi con bao so 7
Đoàn công tác kiểm tra công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc

Tại buổi làm việc, đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra một số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm: Công trình thủy lợi Hồ Núi Cốc; đập Cây si, Thành phố Thái Nguyên. Hiện nay, đối với việc vận hành Hồ Núi Cốc, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên dự báo trong những ngày tới nhiều khả năng sẽ xảy ra mưa lớn làm mực nước trong Hồ Núi Cốc có thể dâng từ cao trình 46,2 đến 48,25m hoặc lớn hơn. Để đảm bảo an toàn cho công trình, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, Công ty dự kiến sẽ thực hiện điều tiết mực nước hồ qua tràn xả lũ từ ngày 19/10 với lưu lượng từ 100m3/s đến 600 m3/s. Việc điều tiết sẽ được thông báo với chính quyền địa phương và nhân dân khu vực ảnh hưởng trước 48 giờ hoặc trước 24 giờ trong trường hợp cấp bách để nhân dân chủ động trong sinh hoạt và sản xuất.