tau san bay my gan iran san sang tan cong khi co lenh

Tiêm kích F/A-18E Super Hornet bay phía trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln trên biển Arab hôm 18/5. Ảnh: US Navy.

"Bạn luôn phải sẵn sàng chiến đấu khi thực hiện hoạt động răn đe, sự sẵn sàng này có tác dụng làm tăng khả năng răn đe", Chuẩn đô đốc Michael Boyle, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ, ngày 12/8 nói với các phóng viên quốc tế lên thăm con tàu đang hoạt động trên biển Arab gần Iran.

"Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ nước Mỹ và các lợi ích quốc gia nếu được yêu cầu. Nhiệm vụ của chúng tôi là ở đây, sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn vào bảo vệ", Boyle tuyên bố. Ông khẳng định các chiến hạm, tiêm kích trong nhóm tác chiến tàu sân bay luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc tập kích nếu có lệnh.

Tuyên bố của quan chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại Vùng Vịnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln được Lầu Năm Góc triển khai tới Vùng Vịnh hồi tháng 5 nhằm phát đi thông điệp rằng bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ hoặc của đồng minh Mỹ trong khu vực sẽ bị đáp trả "không thương tiếc".

Boyle cho rằng quân đội Iran chắc chắn nhận thức được rằng sự hiện diện của tàu Abraham Lincoln tại biển Arab mang tính răn đe lớn, bởi từ vị trí này, tàu sân bay Mỹ có thể tấn công Iran, trong khi Tehran không thể phản kích.

tau san bay my gan iran san sang tan cong khi co lenh

Vị trí biển Arab (Arabian Sea) ở phía nam Iran. Đồ họa: NYTimes.

Theo truyền thông Mỹ, các máy bay trên tàu Lincoln được cho là từng nhận lệnh không kích một số mục tiêu của Iran sau khi Tehran bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ ngày 20/6 với cáo buộc xâm nhập không phận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thời điểm đó đã phê duyệt kế hoạch tấn công nhưng lại hủy vào phút chót do lo ngại có nhiều người thiệt mạng.

Mỹ gần đây vận động các đồng minh cử tàu chiến tham gia liên minh an ninh hàng hải tại eo biển Hormuz, sau khi Iran bắt ba tàu hàng nước ngoài tại khu vực này trong vòng chưa đầy một tháng. Anh đã ủng hộ kế hoạch này của Mỹ, trong khi Đức từ chối.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi kể từ khi Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm cắt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran. Tehran chỉ trích các cường quốc khác tham gia ký thỏa thuận đã không giảm thiểu được các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.